NGƯU TẤT
-
Tên khoa học: achyranthes bidentata Blume, họ rau Dền (Amaranthaceae). Còn gọi là Hoài ngưu tất.
-
Bộ phận dùng: Rễ cây hoài ngưu tất phơi hay sấy khô. Được ghi nhận vào Dược điển VN và TQ.
-
Mô tả: Cây ngưu tất là một loại cây cỏ, có thân mảnh, hơi vuông, cao độ 1m, ở các đốt phình lên như đầu gối trâu (Ngưu tất – gối trâu); lá mọc đối, phiến lá hình trứng, mép nguyên, đầu hơi nhọn. Hoa tự mọc thành bông ở đầu cành hoặc kẽ lá, dễ bám vào quần áo. Mùa hoa tháng 11 – 1.
-
Thu hái chế biến: Thu hái vào mùa đông. Khi thân lá khô héo, đào lấy rễ, cắt bỏ phần trên cổ rễ và rễ con, rửa sạch đất cát, phơi tái, bó thành bó nhỏ, phơi tới khi nhăn nheo, đem lăn rồi sấy cho khô. Hoài ngưu tất hơi có mùi đặc biệt, vị hơi ngọt, Loài ngưu tất rễ dài mập, nhiều thịt, da mịn, không bị lấm chấm, màu vàng tro là tốt. Loại ngưu tất rễ ngắn, phân nhiều nhánh, màu nâu, có nhiều xơ xương là kém. Cần phân biệt: Xuyên ngưu tất (họ rau dền) rễ thường ngắn hơn hoài ngưu tất (o,2 – 0,3cm), nhưng đường kính to hơn (gần 2cm), màu nâu đen. Cũng có công dụng như hoài ngưu tất và cũng đã được ghi vào Dược điển TQ; Thổ ngưu tất còn gọi là Cỏ xước, hoặc là Ngưu tất nam thường cong queo, cứng, ít thịt, mọc hoang ven đường, góc vườn.
-
Công dụng: Theo Đông y, ngưu tất vị đắng chua, tính bình, vào 2 kinh Can, Thận.
-
Dùng sống có tác dụng thông huyết mạch, làm tan máu ứ, giải nhiệt, tiêu ung thũng, sưng tấy. Dùng chữa đau bụng, bị ngã có thương tích, bí tiểu, phụ nữ tắc kinh, sinh khó, sót rau, sinh xong máu hôi không ra, đau bụng, tiểu ra máu, hoa mắt.
-
Dùng chế với rượu có tác dụng bổ gan thận, khỏe gân cốt. DÙng chữa lưng đau, gối mỏi, nhức xương, chân tay co quắp tê bại. Cách chế với rượu: Lấy 1kg ngưu tất, cắt thành đoạn, lấy 100g rượu phun trộn đều, đậy cho thâm hết rồi sao cho tới khi hơi khô lấy ra để nguội. Theo một số Lương y, Hoài ngưu tất tính chất chắc, đi xuống, chữa tê thấp nhiệt ở đầu gối, chân đùi; Xuyên ngưu tất tính chất xốp, đi ngang và lên trên, chữa thấp nhiệt ở vai, tay.
-
Theo Tây y, hoài ngưu tất có tác dụng: giảm huyết áp, lợi niệu, giảm đau, giảm nhu động dạ dày và ruột, tăng co bóp của tử cung.
-
Liều dùng: 5 – 10g. Tán bột hay sắc uống.
-
Lưu ý: Đàn bà có thai, kinh nguyệt quá nhiều, đàn ông di mộng hoạt tinh, yếu dạ tiêu chảy đều không được dùng.
-
-
Một số bài thuốc ứng dụng:
-
Bài số 1: Chữa tiểu tiện không thông, tiểu ra máu, phụ nữ máu kết, đau bụng nổi hòn: Ngưu tất 10g; Đương quy 5g; Hoàng cầm 5g. nghiền sắc uống.
-
Bài số 2: Chữa đau bụng: Ngưu tất tươi 5g; Ngải diệp 5g. Giã nhỏ hòa với sữa người nhỏ vào mũi miệng, có thể kéo được đờm dãi ra.
-
Bài số 3: Chữa đẻ khó, thai chết lưu: Hồng hoa 5g; Xuyên khung 5g; nhục quế 3g; Hoài ngưu tất 12g; Đương quy 9g; hạt mã đề 9g; sắc uống.
-
Bài số 4: Chữa 2 chân đau, tê, co do thấp nhiệt: Ngưu tất 9g; Thương truật 9g; hoàng bá 6g. Tán bột, làm hoàn. Mỗi lần uống 9g ngày 3 lần, với nước muối gừng.
-
Bài số 5: Phòng chữa bạch hầu: Rễ ngưu tất tươi 20g; Cam thảo 9g. Sắc uống.
-
-
Bảo quản: Ngưu tất rất dễ bị mốc, cần để nơi khô ráo, mát, kín, có thể sấy khô rồi xông sinh.
Đông y Thiện Tri Thức tổng hợp