VIÊM CẦU THẬN MẠN

Là bệnh có những tổn thương cầu thận, tiến triển từ từ, có thể kéo dài trong nhiều năm, cùng những biều hiện đa dạng trên lâm sàng và cận lâm sàng với nhiều biến chứng nguy hiểm như suy thận mạn tính, suy thận nặng và tử vong do vậy việc theo dõi và điều trị kịp thời là những yêu cầu cần thiết.

Ngày nay, viêm cầu thận mạn còn được dùng với một tên gọi khác đó là Hội chứng cầu thận mạn do bản chất của viêm cầu thận mạn là tổn thương cầu thận, tiến triển chậm, từ từ kéo dài trong nhiều năm, dẫn đến kết quả là suy thận mạn với biểu hiện của phù, protein niệu, tăng huyết áp, thiếu máu, urê, creatinin máu tăng cao.

Nguyên nhân

  • Tiến triển từ viêm cầu thận cấp.
  • Do viêm cầu thận có hội chứng thận hư.
  • Do các bệnh toàn thân, bệnh chuyển hóa, bệnh di truyền.
  • Không rõ nguyên nhân.

Biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng:

  • Protein niệu: thường từ 2g đến 3g một ngày, Nếu tăng quá 3,5g là có dấu hiệu hội chứng thận hư.
  • Phù: Trong viêm cầu thận mạn bệnh nhân thường có phù trắng, mềm, ấn lõm. Có khi chỉ nặng mí mắt, thậm chí không thấy rõ nét trong giai đoạn tiềm tàng. Trong trường hợp có phù toàn thân, thậm chí xuất hiện cổ chướng thì đó là dấu hiệu của hội chứng thận hư.
  • Cao huyết áp: bệnh nhân khi đã có suy thận thường sẽ có tăng huyết áp.
  • Hồng cầu niệu: thường có hồng cầu niệu nhưng ít khi có đái máu đại thể.
  • Trụ niệu: trụ hồng cầu, trụ trong, trụ hạt.
  • Thiếu máu: thường gặp, khi đã có suy thận thì mức độ thiếu máu càng tăng.

Tiến triển:

  • Bệnh tiến triển âm ỉ, phù tái phát nhiều lần sau đó dẫn đến suy thận. Trong toàn bộ quá trình có thể xuất hiện nhiều đợt có hội chứng thận hư.
  • Có thể khởi phát bằng hội chứng thân hư rồi viêm cầu thận mạn sau chuyển sang suy thận mạn.
  • Tình trạng bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố làm tăng nặng tình trạng bệnh: tăng huyết áp ác tính, tình trạng nhiễm khuẩn, có thai. Có trường hợp kéo dài tình trạng bệnh 5 đến 10 năm mới suy thận, cá biệt đến 20 năm mới chuyển suy thận nặng.

Quá trình chẩn đoán các bệnh có liên quan đến thận khá phức tạp; cần có những kỹ thuật phù hợp nhằm xác định rõ tình trạng và mức độ nặng của bệnh cũng như cần phân biệt với một số bệnh khác có triệu chứng tương tự: xơ mạch thận tiến triển hay tăng huyết áp kéo dài; xơ mạch thận tiến triển nhanh (tăng huyết áp ác tính); viêm thận bể thận mạn tính; đôi khi chỉ là protein niệu lành tính.

Điều trị bệnh tùy theo giai đoạn của bệnh:

  • Điều trị triệu chứng và biến chứng:
    • Nghỉ ngơi, ăn nhạt, không dùng mỳ chính, khi có phù và tăng huyết áp có thể dùng lợi tiểu và thuốc hạ áp.
    • Khi xác định có viêm nhiễm có thể dùng kháng sinh tuy nhiên tránh dùng các kháng sinh có hâị cho thận như tetracycline, gentamycin,…
  • Điều trị hội chứng thận hư.
  • Điều trị các bệnh chính dẫn đến viêm cầu thận mạn như bệnh ban đỏ hệ thống hoặc đái tháo đường.
  • Khi có suy thận cần hạn chế dùng protiein trong thức ăn.
  • Tránh dùng các thuốc có hại cho thận như các nhóm aminoacid.

Cần thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của thày thuốc về chế độ thuốc, sử dụng thực phẩm và nghỉ ngơi phù hợp.

Đông y Thiện Tri Thức tổng hợp

Bài viết liên quan