VIÊM DẠ DÀY- NGUYÊN NHÂN VÀ DẤU HIỆU
Viêm dạ dày
Viêm dạ dày là khái niệm được dùng rộng rãi. Trong nhiều trường hợp nó được dùng để chỉ cho các trường hợp chậm tiêu mà không có tổn thương thực thể cụ thể được xác định. Sinh thiết dạ dày cho thấy thuật ngữ chính xác của nó là Viêm niêm mạc dạ dày vì nó là sự biến đổi niêm mạc dạ dày
Phần lớn nguyên nhân Viêm dạ dày là do kích ứng niêm mạc dạ dày bởi các tác nhân ngoại sinh bên cạnh tác nhân nội sinh như: nhiễm khuẩn, độc chất và miễn dịch.
Nguyên nhân của viêm dạ dày có thể là do:
- Mất cân bằng giữa yếu tố bảo vệ và phá hủy niêm mạc dạ dày;
- Sự biến đổi của lớp niêm mạc dạ dày có thể dẫn đến cấp tính hoặc mãn tính như trong viêm dạ dày do trào ngược dịch mật vào dạ dày gây viêm dạ dày vùng hang vị (type B) sau lan sang vùng thân vị. Nếu chỉ viêm vùng thân vị thường do miễn dịch (type A). Một trong những nguyên nhân chính của viêm dạ dày là do thường xuyên uống rượu và các chất kích thích.
Biểu hiện của một số kiểu Viêm dạ dày cấp tính:
- Viêm long dạ dày: xảy ra sau khi ăn hay uống phải chất kích thích hoặc nhiễm khuẩn gây ra cảm giác căng tức hoặc nóng ran vùng thượng vị có thể kèm theo nôn, choáng váng.
- Viêm dạ dày do ăn mòn: thường là xuất huyết, có thể biểu hiện chảy máu nhanh, nhiều gây mạch nhanh, hạ huyết áp và choáng. Nó có biểu hiện khá giống với loét do stress (hậu quả của thiếu máu niêm mạc hoặc chấn thương…).
- Viêm dạ dày loét trợt: tùy theo mức độ tổn thương mà có thể nặng tức vùng thượng vị, nôn mửa, thâm chí nôn ra máu rồi rơi vào tình trạng choáng.
- Viêm tấy dạ dày: dạ dày có mủ do vi khuẩn, người bệnh thường nôn mửa, sốt có dấu hiệu nhiễm trùng, nhiễm độc và choáng. Hoặc có thể chuyển sang dạng viêm dạ dày sinh hơi.
Viêm dạ dày mãn tính:
- Thông thường gây ra cảm giác và biểu hiện khó chịu như: cảm giác nặng, nóng ran sau khi ăn kèm theo cảm giác đau (không có chu kỳ như loét)
Ngoài các dạng viêm dạ dày thông thường hay gặp như trên thì còn nhiều loại viêm dạ dày khác tùy thuộc nguyên nhân khác nhau. Việc xác định chính xác dạng bệnh và nguyên nhân cần được các chuyên gia thực hiện vì vậy nếu bạn có nghi ngờ về bệnh hãy đến cơ sở uy tín khám và kiểm tra.
Tài liệu tham khảo:
- Bệnh tiêu hóa gan – mật – Đại học Y Dược Huế - PGS – TS Hoàng trọng Thảng (chủ biên) – NXB ĐH Huế - năm 2014.
- Giáo trình giảng dạy bệnh học – ĐHY Hà Nội và Đại học Dược Hà Nội.