XẤU HỔ (CÂY)

  • Tên khoa học: Mimosa pudica L. – họ Xấu hổ (mimosaceae). Còn gọi tên khác là Mắc cỡ - Cây trinh nữ - Cây thẹn.
     
  • Bộ phận dùng: Bộ phận trên mặt đất đã chế biến khô của cây xấu hổ (Herba Mimosae pudicae), được ghi nhận vào Dược điển VN.
     
  • Mô tả cây: Cây nhỏ, phân nhiều nhánh, mọc thành bụi, lòa xòa trên mặt đất cao khoảng 50cm, thân có nhiều gai hình móc. Lá kép lông chim chẵn, hai lần, cuống phụ xếp như hình chân vịt, khi chạm nhẹ thì lá cụp lại hoặc buổi tối cũng cụp lại. Lá chét nhỏ gồm 12 – 14 đôi. Hoa nhỏ, màu tím nhạt, tụ lại thành hình đầu. Quả giáp nhỏ, dài độ 2cm, rộng 2 – 3mm, tụ lại thành hình ngôi sao, có lông cứng – hạt nhỏ, dẹt dài 2mm, rộng 1 – 1,5mm. Mùa hoa tháng 6 – 8. Cây xấu hổ mọc hoang nhiều nơi ở nước ta như ven đường, bờ ruộng, trên đồi.
     
  • Thu hái và chế biến: Mùa hạ, khi cây đang phát triển xanh tốt, cắt lấy phần trên mặt đất, phơi khô là được (chú ý tránh làm rụng lá).


     
  • Công dụng: Theo Đông  y, xấu hổ vị đắng, tính mát, vào 3 kinh Tâm, Can, Thận. Có tác dụng an thần, giảm đau, trừ phong thấp. Chữa các chứng bệnh: kém ngủ, tâm thần không an, phong thấp, tê bại chân tay.
     
    • Liều dùng: 10 – 20g sắc uống.
       
    • Lưu ý: Người suy nhược, hàn thì không dùng. Một số nơi dùng rễ cây xấu hổ, uống chữa phong thấp nhức xương. Liều dùng là 20 – 40g một ngày. Tránh nhầm lẫn với một cây xấu hổ khác có cành mảnh khảnh, dài, thân lá màu xanh, hoa hình đầu trắng, mọc ven đồi, không dùng làm thuốc.

Bài viết có tính tham khảo không thay thế cho sự khám và điều trị của thày thuốc.

Đông y Thiện Tri Thức tổng hợp.

Bài viết liên quan