SỬ QUÂN TỬ
-
Tên khoa học: Quisqualis indiaca L. họ Bàng (combretaceae) còn gọi là Quả giun – Quả nấc – Bông tràng - Dây giun.
-
Bộ phận dùng: hạt lấy ở những quả già, chín của cây quả giun đã chế biến khô (Semen Quisqualis) Được ghi nhận trong Dược điển VN và TQ.
-
Mô tả cây: Cây giun là laoị dây leo, mọc lan thành bụi. Lá mọc đối, hình trứng dài, đầu nhọn. Hoa mọc thành chùm, màu đỏ hồng. Mùa hoa tháng 5 – 6. Quả dài 2,5 – 4cm, đường kinh 1,5 – 2cm hình quả trám, 5 cạnh lồi có vỏ cứng, bên trong chứa một nhân béo bùi, hình thoi dài 1, 8 – 2,6cm đường kính chỗ giữa 0,6 – 1cm. Cây quả giun mọc hoang nhiều vùng núi nước ta, nhiều nước lân cận ta cũng có.
-
Thu hái và chế biến: Mùa thu hái tháng 8 – 9, khi trời khô ráo, hái những quả già, vỏ màu sẫm, phơi nắng hoặc sấy khô. Đập bỏ vỏ sấy nhẹ lửa, tránh làm sây sát màng bọc nhân, sấy ở nhiệt độ 50 – 60 độC đến khô thì được Sử Quân Tử.
-
Nhân sử quân tử không mùi, vị ngọt, bùi, ăn có thể gây nấc. Loại nhân sử quân quả già, khô, to mập nặng da màu nâu sẫm, trong đó có nhân béo, không bị teo thối, nguyên vẹn mập, thịt trắng ngà, vị bùi béo, không đen, không mốc mọt, không lẫn vỏ và tạp chất là tốt. Loại Sử quân tử quả non, nhỏ, trong không có nhân hoặc nhân bị hỏng không dùng làm thuốc.
-
-
Công dụng: Trong Đông y, Sử quân tử vị ngọt, ấm vào 2 kinh Tỳ, Vị. Có tác dụng bổ tỳ, nhuận tràng, sát khuẩn, tẩy giun, giúp tiêu hóa. Uống sử quân tử, một số người có thể bị nấc, lúc lâu sau thì khỏi (bóc vỏ màng ở nhân thì không bị nấc nhưng làm giảm hiệu quả của thuốc). Dùng để chữa các chứng bệnh trẻ em bụng ỏng, cam tích, có nhiều giun đũa, tiêu hóa kém, biếng ăn, tiểu đục, tả lỵ.
-
Liều dùng 4,5 – 9g. Lấy nhân, sao nhẹ lửa tới khi có mùi thơm, lấy ra để nguội tán thành bột uống. Trẻ em mỗi tuổi ăn 1 nhân, người lớn khoảng 20 nhân, không quá 30 nhân. Ăn trước khi đi ngủ, mỗi ngày 1 lần, liền trong 3 ngày. Cũng có thể dùng sống hoặc đồ chín.
-
Lưu ý: Khi uống sử quân tử thì kiêng uống nước chè nóng, nếu không sẽ bị lả, ăn nhiều quá bị nấc, chóng mặt. có nơi dùng rễ sử quân dể sắc uống có tác dụng tẩy giun mà không gây nấc (nhưng sẽ chết cây).
-
-
Bài thuốc ứng dụng:
-
Bài số 1: Tẩy giun, chữa cam tích đau bụng: Nhục đậu khấu 150g; Sử quân tử 300g; Mạch nha 120g; Hồ hoàng liên 300g; Lục thần khúc 300g; Bình lang 150g; Mộc hương 60g. Nghiền vụn, dùng mật lợn, chế thành viên, mỗi viên 3g; uống lúc đói với nước ấm. Mỗi ngày uống 1 – 2lần, mỗi lần 1 – 2 viên, trẻ em dưới 3 tuổi dùng liều nhỏ.
-
Bài số 2 chữa giun đũa chui lên ống mật đau quặn: Nhân quả giun 9g; Vỏ xoan 9g; Quản mộc hương (ván mộc hương)6g; Hạt cau 9g; Ô mai 3g; Sắc uống.
-
Bài số 3 tẩy giun đũa hàng loạt: Bột sử quân tử 160g; Bột keo giậu 196g; Đường kinh 220g, nước vừa đủ. Sử quân tử ngâm với nước, bóc vỏ, cắt 2 đầu, để ráo nước đem rang vàng , tán nhỏ. Hạt keo giậu (hạt của cây kéo) sẩy, xát vỏ, rang vàng gần cháy, tán nhỏ. Đường kính đun sôi, cho bột vào trộn. Làm thành 70 cái kẹo giun, Mỗi buổi sáng ăn 3 cái kẹo giun này, ăn liền trong 7 ngày sẽ ra giun.
-
Đông y Thiện Tri Thức tổng hợp