RAU ĐẮNG

  • Tên khoa học: Polygonum aviculare L. Họ rau răm (Polygonaceae); Tên khác là cây càng tôm – Biển súc.

  • Bộ phận dùng: Cả cây tươi hoặc đã chế biến khô của cây rau đắng. Được ghi nhận vào Dược điển TQ (có nơi dùng cả rễ).

  • Mô tả cây: Cây thảo, sống lâu năm, thân nhỏ, thường mọc nằm ngang mặt đất, chỉ cao độ 0,20 – 0,4m, phân nhánh nhiều, các đốt rất ngắn, mầu đỏ tía. Lá mọc cách, nhỏ, hình thuôn dài 1 – 4cm. Cụm hoa xim co, ở nách lá, hoa nhỏ, màu lục nhạt hay hồng. Quả 3 cạnh dài 3mm chữa 1 hạt nâu đen. Cây rau đắng mọc hoang ven đường, nơi ruộng, bãi đất khô, khắp nơi nước ta.

  • Thu hái và chế biến: Thu hái cây đang tươi tốt mới có hoa (cuối xuân đầu hạ). Rửa sạch phơi dùng tươi hay phơi sấy khô.

  • Công dụng: Theo Đông y, biển súc vị đắng, tính bình không độc vào kinh Bàng quang. Có tác dụng: lợi niệu, trừ thấp nhiệt, chữa chứng bệnh đái rắt, đau buốt, nhỏ giọt do thấp nhiệt, sỏi niệu đạo, viêm bàng quang. Ngoài ra còn chữa đau bụng, trẻ em cam tích do giun đũa. Theo một số tác giả, rau đắng tăng cường sự hô hấp, tăng thời gian đông máu, tăng lượng nước tiểu, có tác dụng hạ huyết áp.

    • Liều lượng: 10 – 20g (tươi 20 – 50g).

    • Lưu ý: Người không bị thấp nhiệt, người tiểu ít do yếu mệt thì không dùng. Một số người dùng cây thài lài tía làm nam biển súc, do biển súc nhỏ thu lượm được ít.

  • Một số bài thuốc ứng dụng:

    • Bài số 1: Chữa tiểu tiện khó khăn, nhỏ giọt do nhiệt (nhiệt lâm), tiểu buốt, tiểu rắt: Biển súc 15g; Sắc uống một mình (độc vị) hoặc phối hợp với các vị Biển súc 15g; Thạch vị 10g; Cây mã đề 10g; Cây cam thảo (cành) 5g.

    • Bài số 2: Chữa sỏi trong hệ niệu đạo: Biển súc 15g; Cây mã đề 30g; Thân lá dây bong bong (hải kim sa) 30g. Sắc uống.

    • Bài số 3: Chữa viêm bàng quang, viêm niệu đạo, đái buốt: Biển súc 15g; Cây mã đề 10g; Hoạt thạch 8g; Mộc thông 6g. Sắc uống.

    • Bài số 4: Chữa tiêu chảy, viêm ruột cấp tính, lỵ do thấp nhiệt: Rau đắng 15g; Hạt mã đề 10g; Long nha thảo 15g. Sắc uống.

    • Bài số 5: Chữa vàng da (hoàng đản) do thấp nhiệt: Rau đắng tươi 60g. Sắc uống.

    • Bài số 6: Chữa đái ra dưỡng chấp: Rau đắng tươi 60g. Thêm 2 quả trứng gà, gừng sống, vừa đủ. Sắc uống liên tục 20 lần.

    • Bài số 7: Chữa giun móc: Rau đắng tươi 40g. Sắc đặc. Mỗi ngày uống 1 liều, uống 3 ngày liền.

    • Bài số 8: Chữa ngứa ngoài da do eczema, ngứa âm đạo do trùng roi (trichomaonas vaginalis): Rau đắng tươi 250g. Lấy 1,5 lít nước rửa eczema, hoặc làm vệ sinh âm đạo.

  • Bảo quản nơi khô mát.

Đông y Thiện Tri Thức tổng hợp

Bài viết liên quan