Ô ĐẦU – PHỤ TỬ

  • Tên khoa học: Dược điển VN ghi các cây đều thuộc họ Hoàng Liên (Ranunculaceae): Ô đầu Việt nam (Aconitum fortune Hemsl); Ô đầu Châu Âu (Aconitum napellus Lin); Ô đầu Trung quốc – Hoa ô đầu (Aconitum chinense Paxt); Xuyên Ô đầu (Tứ xuyên) – (Aconitum Carmichaeli Debx). Còn gọi là Ấu tầu - Gấu tàu – ú tàu.

  • Bộ phận dùng: Theo Dược điển TQ – rễ củ mẹ đã chế biến khô của cây xuyên ô đầu gọi là ô đầu – Rễ củ con đã chế biến theo quy trình của cây Xuyên ô gọi là phụ tử. Dược điển VN chưa ghi là Phụ tử.

  • Mô tả: Ô đầu VN: Cây thân mọc đứng, cao 0,6 – 1m, có lông ngắn, lá chia thành 3 thùy, hơi hình trứng dài, có răng cưa ở nửa trên. Hoa lớn màu xanh lam, mọc thành chùm dày, dài 5– 15cm. Lá bắc nhỏ, đài sau giống hình cái mũ nông (nửa mũ chop). Quả có 5 đài, mỏng như dây, dài khoảng 23mm, hạt có vảy ở trên mặt, cây mọc hoang ở vùng núi cao phía Bắc nước ta.

    • Xuyên Ô (A. Carmichaeli Debx), cây mọc đứng, cao 0,6 – 1,2m, sống lâu năm, rễ phát triển thành củ, có củ mẹ, củ con. Củ mẹ có thể to tới 5cm đường kính. Lá mọc cách, không cuống, phiến lá rộng 5 – 12cm, xẻ thành 3 thùy sâu, thùy giữa lại xẻ thành 3 thùy nhỏ, mép các thùy đều có răng cưa thô to. Hoa tự hình chùy tròn, dài 10 – 20cm, hoa màu xanh tím. Mùa hoa tháng 6 – 7, quả hình cầu, đường kính 2mm, mùa quả tháng 7 – 8.

    • Thảo Ô, Bắc ô đầu (A. Kusnezoffii Reich). Cây cao 0,7 – 1,5m, phiến lá dài độ 14cm, rộng độ 20cm, cuống lá rất dài, lá ở gần gốc cuống dài tới 4 – 8cm, hoa màu lam sẫm có khi trắng.

    • Hoa ô đầu (A. Chinense Paxton): Cây cao độ 1m, lá có cuống, hoa to, màu tím xanh biếc (các điểm khác gần giống như cây Xuyên ô).

    • Âu ô đầu (A.napellus. Linn): Cây đẹp, cao độ 1m, lá xẻ hình chân vịt, mặt trên máu lục sẫm, bóng, mặt dưới màu nhạt hơn, nếm lá sẽ thấy thoạt đầu vị nhạt, sau như kiến đốt nhè nhẹ - Hoa mọc thành chúm, màu xanh lơ sẫm, đôi khi hơi tím nhạt hoặc trắng, đài hoa phía sau khum hình giống như mũ lính tây. Loại cây trồng giảm mùi vị, cây trồng ở đồng bằng chứa tỉ lệ alkaloid kém cây mọc hoang tới 20 – 40 lần, nên người ta quen dùng cây Âu Ô đầu mọc hoang để làm thuốc.

  • Thu hái chế biến: Ô đầu Việt nam. Mùa thu hái tháng 6 – 7, trước khi cây ra hoa, nếu chậm củ sẽ bị rỗng lõi. Đào lấy rễ củ ẹ (sẽ được ô đầu), cắt rễ củ con để riêng (để chế phụ tử) rửa sạch, phơi sấy khô.

    • Ô đầu không mùi, vị cay tê lưỡi (chỉ nếm nhẹ thôi). Loại ô đầu, củ đều, mập, chắc, không rống lõi, khó bẻ, mặt ngoài mầu nâu, có khi sẫm vết cắt ngang mầu nâu là tốt.

    • Ô đầu Việt Nam thường rễ củ hình củ ấu (nên gọi là ấu tàu), hai đầu ít nhọn hơn, ở vòng giữa có gờ sần sùi có vết tích của thân cây hay chồi mầm dài 2 – 3cm, đường kinh 1 – 1,5cm.

  • Sau đây là cách chế biến phụ tử Trung quốc từ cây xuyên ô (A. carmchaeli):

  1. Phụ tử: Thu hái cùng với Ô đầu: Lấy những rễ củ con (phụ) bám bên rễ củ mẹ, rửa sạch đất cát, rồi chế biến thành các loại:

    1. Diêm phụ tử (phụ tử muối): Chọn những rễ củ con tương đối to, rửa sạch, cứ 10kg phụ tử sống thì ngâm vào một dung dịch gồm: 4kg Magne chloride, 3kg Natri Chlorid (muối ăn), 6 lít nước, đêm ngâm ngày phơi, thỉnh thoảng lại thêm magne chloride để giữ nồng độ, làm như vậy độ 10 ngày, tới khi mặt ngoài thấy có những hạt muối kết tinh bám vào, củ hơi cứng là được. Diêm phụ tử không mùi, vị mặn mà tê lưỡi. Loại diêm phụ tử củ to, chắc, mặt ngoài có phần muối trắng bám phủ là tốt.

    2. Hắc thuận phiến hay Hắc phụ phiến (Phụ tử đen): Lấy những củ con cỡ trung bình, rửa sạch, ngâm vào dung dịch muối Magne chloride vài ngày (khoảng 10kg phụ tử sống ngâm với 4kg magne và 3 lít nước) rồi đun sôi 2 – 3 phút. Lấy ra rửa sạch để nguyên cả vỏ, thái thành phiến dày khoảng 6mm, lại ngâm vào nước muối Magne chloride loãng sau đó thêm đường đỏ và dầu hạt cải mà tẩm vào, sao nhẹ lửa cho đến khí các phiến bắt màu như chè đặc; lại rửa bằng chè đặc cho đến khi nếm không thấy vị cay tê, thì lấy ra đồ chín, rồi sấy khô tái, cuối cùng đem phơi cho thật khô. Hặc thuận phiến (hăc phụ) không mùi, vị nhạt, Loại hắc phụ phiến đều mặt ngoài nhuận có dầu, sáng bóng là tốt.

    3. Bạch phụ phiến. Chọn những củ con cỡ nhỏ, nhâm vào nước muối Magne chloride vài ngày rồi đem đun cho tới khi ngấm chín đến giữa củ, vớt ra, bóc bỏ lớp vỏ đen ở ngoài, bổ dọc thành phiến mỏng độ 3mm, rửa bằng nước cho tới khi nếm không thấy vị cay tê, lấy ra đem đồ chín rồi phơi khô tái, sau đó sấy diêm sinh, cuối cùng phơi cho thật khô. Bạch phụ phiến không mùi, vị nhạt. Loại bạch phụ phiến đều màu trắng ngà, nhuận, có dầu, nửa trong suốt là là tốt.

    4. Hoàng phụ phiến (phụ tử vàng): lấy những củ diêm phụ tử to tròn, cho vào nước đun sôi khoảng nửa giờ, vớt ra ngâm vào nước lã 6h, bóc bỏ vỏ ngoài, thái thành phiến. Rồi lại ngâm vào nước có thêm Cam thảo, khương hoàng (nghệ), đồng tiện ngâm vài ngày, vớt ra rửa sạch, đồ chín, sấy khô.

  2. Quan bạch phụ: là rễ của của cây hoàng hoa ô đầu, thu hái vào mùa thu. Đào lấy rễ củ, cắt bỏ phần trên cổ rễ và rễ tua, rửa sạch đất cát đem phơi khô. Quan bạch phụ không mùi, vị cay, tê lưỡi. Loại Quan bạch phụ rễ củ con to, mập, chắc, da mịn, nhiều bột là tốt, còn loại rễ củ mẹ và rễ củ con mà ít bột là kém.

  3. Âu ô đầu: Thường thu hái trước khi hết mùa hoa. Đào lấy rễ củ con (có khi dùng cả củ mẹ) đem về phơi khô. Lúc đó rễ củ chứa nhiều alcaloid (củ con chứa nhiều alcaloid hơn củ mẹ, có khi gấp 4 lần). Củ mẹ khi thu hái mùa thu thường ít alkaloid vì phải nuôi cây phát triển, ra hoa và kết quả.

  • Cần phân biệt với hai cây cũng gọi là Bạch phụ tử: Cây TYphonium giganteum Engl, họ ráy (Ẩceae) còn gọi là Độc giác liên, dùng rễ củ, chữa phong hàn thấp, trúng phong tắc đờm, miệng méo xệch, tràng nhạc. Cây này chưa thấy ở nước ta, mọc ở Trung quốc là chính và cây Jatropha Multifida Linn, họ Thầu dầu (Euphorbiaceae) còn gọi là Cây San hô thường hay trồng làm cảnh.

  • Công dụng:

  1. Xuyên ô, theo Đông y, vị cay, tính rất nóng, rất độc. Có tác dụng trừ hàn thấp, tán phong tà, thông kinh lạc, giảm đau buốt mạnh. Dùng chữa các chứng bệnh phong hàn tê thấp, đau khớp, chân tay co quắp, đau dây thần kinh, bán thân bất toại, đau buốt đầu (đầu phong, đầu thống), đau bụng, tức ngực do lạnh.

    1. Liều dùng: Chế xuyên ô: 1,5 – 3g/ ngày.

    2. Lưu ý: Phụ nữ có thai không dùng; KHông được dùng phối hợp với Xuyên bối mẫu, triết bối mẫu, bán hạ, bạch cập, thiên hoa phấn, qua lâu (tương phản), xuyên ô úy (sợ) tê giác; Xuyên ô nhất thiết không bao giờ dùng uống hoặc có dùng thì chỉ ngâm rượu mà xoa bóp bên ngoài. Nếu uống thì phải dùng Chế xuyên ô: Lấy xuyên ô rửa sạch, ngâm nước ấm, ngày thau nước 2 – 3lần cho đến khi nếm không còn thấy vị cay tê nữa mới thôi. Sau đó lấy ra nấu với Cam thảo và đậu đen (cứ 1kg xuyên ô thì dùng 50g cam thảo và 100g đậu đen) đun cho đến khi giữa củ không còn trắng nữa thì thôi. Loại bỏ cam thảo và đỗ đen. Lấy xuyên xô ra để hong cho hơi khô rồi thái mỏng mà dùng.

  2. Phụ tử: Theo Đông y, vị cay ngọt, tính rất nóng, rất độc, vào 12 kinh; Có tác dụng hồi dương, cứu nghịch, bổ hỏa trợ dương, đuổi phong hàn thấp tả. DÙng chữa các chứng bệnh âm quá thịnh, dương suy, mồ hôi thoát ra quá nhiều, tiêu chảy tổn thương đến dương (kiệt sức), người lạnh giá, mạch trầm, đau bụng tức ngực do lạnh, tả lỵ thể lạnh, phong hàn tê thấp, cước khí, trẻ em kinh giật. Liều dùng: 4 – 12g/ngày. Nếu dùng sinh phụ (phụ tử rửa sạch muối) thì nhất thiết phải phối hợp với cam thảo và sinh khương đồng thời phải sắc thật lâu (theo Đông y, phụ tử tinh hay chạy không ngừng, dùng thêm cam thảo mới giữ lại được, do đó giảm độc). Thường chỉ dùng phụ tử sau khi đã bào chế.

    1. Đạm phụ phiến (đạm là nhạt). Lấy diêm phụ tử ngâm nước, ngày thay 2 – 3 lần nước cho đến khi hết muối, Dùng cam thảo, đậu đen (tỷ lệ như Chế Xuyên ô) thêm nước vào nấu cho đến khi nếm không còn vị cay tê nữa mới được. Loại bỏ cam thảo và đỗ đen. Lấy phụ tử ra cạo bỏ vỏ, bổ đôi, thêm nước vào đun 2h, lấy ra phơi khô, sau lại làm mềm thái mỏng thành phiến.

    2. Bao phụ tử: Lấy phụ tử rửa sạch, ngâm nước một đêm, bỏ vỏ và cuống rốn, thái mỏng thành phiến. Lại ngâm nước cho đến khí nếm không còn vị cay tê nữa mới thôi. Lấy ra ngâm nước gừng chừng 1 – 3 ngày, vớt ra đem đồ chín, sấy cho khô tái 7 phần rồi đem vào chảo sao lửa mạnh cho tới khi thấy hơi phồng, bốc khỏi lấy ra để nguọi để dùng.

      • Lưu ý: Phụ nữ có thai hoặc người không có chứng hư hàn không dùng được. Phụ tử ghét (ố) ngô công, sợ (úy) phòng phong, hắc đậu (đậu đen), nhân sâm, hoàng kỳ, lục đậu (đậu xanh), tê giác.

  1. Quan Bạch phụ: theo Đông y, vị ngọt cay, tính rất ấm, có độc một chút. Có tác dụng trừ phong thấp, tiêu đờm. Dùng chữa các chứng bệnh trúng phong đờm tắc, méo miệng lác mắt, đau một bên đầu, chóng mặt. Dùng ngoài da chữa lở ngứa, nổi mẩn ở mặt, ngứa âm hộ.

      • Liều dùng: 1,5 – 3g. Nếu uoóng phải dùng chế quan bạch phụ: Lấy quan bạch phụ ngâm nước để chỗ mát, ngày thay 2 – 3 lần nước, ngâm trong 5 – 7ngày. Lấy ra nấu với đậu phụ (cứ 1kg quan bạch phụ thì dùng 250g đậu phụ) đun trong 30 phút, Loại bỏ đậu phụ. Lấy quan bạch phụ ra phơi trong râm lại tưới nước sôi cho mềm, thái thành phiến, đem phơi khô.

      • Lưu ý: Phụ nữ có thai không được dùng. Không nên dùng quan bạch phụ sống, nếu dùng phải cẩn thận.

  1. Âu ô đầu: Có tác dụng giảm đau, mạnh nhất là trong mọi chứng đau dây thần kinh, thuộc các nhánh dây thần kinh sinh ba. Dùng chữa các chứng bệnh: đau dây thần kinh, đau dây thần kinh tọa, viêm phế quản cấp, viêm thanh quản, viêm họng, cảm cúm, thấp khớp cấp. Cũng có thể dùng dưới dạng cồn dầu 1/10.

  • Một số bài thuốc ứng dụng:

    • Bài số 1: Tứ nghịch thang: Chữa bệnh thương hàn thuộc về kinh Thiếu Âm (Tâm, Thận), nôn mửa, tả lỵ, đau bụng, bên trong người lạnh buốt, dương khí muốn thoát hết, chân tay lạnh giá (quyết lãnh), mạch mất, nhỏ yếu, hình như không còn: Dùng Phụ tử (chế) 3g; Cam thảo 3g; Can khương 3g. Sắc uống.

    • Bài số 2: Bát vị thận khí hoàn: Chữa chứng thận dương suy, cước khí, thủy thũng, tiêu khát (đái tháo, khát nước):

Phụ tử

15g

Thục địa

80g

Quế chi

15g

Sơn dược

40g

Sơn thù du

40g

Trạch tả

30g

Đơn bì

30g

Phục linh

30g

Nghiền vụn, lấy mật ong luyện chế thành viên, uống mỗi lần 3 – 6g, mỗi ngày 2 – 3 lần.

  • Triệu chứng ngộ độc: Ngộ độc do ô đầu rất nhanh, chỉ sau vài phút xuất hiện các cảm giác tê, tê, buồn buồn khắp người, lo âu, chóng mặt, thắt chặt cuống họng. Bắt đầu thở dốc và giảm nhiệt, mạch nhỏ, chậm, không đều chậm xỉu, không muốn đi rồi ngừng thở và tử vong do ngạt. Trí óc tỉnh táo bình thường cho đến khi chết. Do vậy, cần khẩn trương đưa đi cấp cứu, rửa dạ dày bằng tannin, hô hấp nhân tạo…

  • Bảo quản nơi khô ráo thoáng mát.

Đông y Thiện Tri Thức tổng hợp

Bài viết liên quan