ĐẠI HOÀNG

  • Tên khoa học là Rheum sp, họ Rau răm (Polygonaceae): Chướng diệp đại hoàng – Rheum palmatum L; Đường cổ Đại hoàng và Dược dụng Đại hoàng; Ngoài ra còn có tên là Tướng quân (vì có công tống cái cũ, sinh cái mới nhanh chóng như dẹp loạn).

  • Bộ phận dùng: Thân - rễ cây Đại hoàng phơi khô. Được ghi nhận trong Dược điển Vn và TQ.

  • Mô tả: Cây Đại hoàng Rheum palmatum Linn – là một cây nhỏ sống lâu năm, rễ thô, to, thân cao tới 2m, giữa rỗng, mặt thân nhẵn. Lá ở phía dưới to dài, phiến lá hình tim nhưng hơi cắt thành 3 – 7 thùy, mép thùy nguyên hơi có răng cưa hoặc hơi cắt, lá ở phía trên thân nhỏ hơn. Hoa tự mọc thành chum, hoa lưỡng tính, màu lục trắng. Cây này chủ yếu mọc hoang.

    • Cây Đường cổ Đại hoàng (Rheum palmatum Linn. var. tanguticum maxim. Cũng là cây cỏ sống lâu năm, cao tới 2m, lá có phiến cắt rất sâu thành thùy. Hoa còn non có màu tím sẫm.

    • Cây Đại hoàng dược dụng, cao khoảng 1,5m. Lá chẻ so le, có cuống dài, phiến lá hình trứng. Hoa màu lục nhạt hay vàng trắng.

  • Thu hái và chế biến: Trung quốc thu hái vào mùa thu, đầu đông, khi lá khô héo, đào lấy thân rễ; những cây sống trên 3 năm, cắt bỏ phần thân trên có rễ phơi trong râm hoặc sấy nhẹ lửa cho khô.

    • Đại hoàng mùi thơm mát đặc biệt, vị đắng. Loại đại hoàng khô, chắc, mặt cắt ngang có vân gấm (cẩm vân) rỗ rệt, màu xám đỏ vàng, có dầu, mùi thơm mát, vị đắng mà không chát, có chất dính nhớt là tốt. Xuyên đại hoàng (Đại hoàng tứ xuyên) là có giá trị hơn cả. Loại Đại hoàng xốp, mặt cắt ngang, vân gấm không rõ rệt, màu xám vàng, mùi ít thơm, vị đắng hơi chát là kém. Loại Đại hoàng mặt cắt ngang tâm giữa hình hoa Cúc, mùi hắc, vị đắng chát thì không dùng làm thuốc

    • Đại hoàng đem soi tia tử ngoại có màu vàng. Thân rễ cây Viên diệp đại hoàng (rheum rhaponticum Lin.) soi đèn tử ngoại hiện lên huỳnh quang màu lam tím, không dùng làm thuốc được.

  • Công dụng: Theo Đông y, đại hoàng vị đắng, tính lạnh vào 5 kinh Tỳ, Vị, Can, Tâm bào, Đại trường. Có tác dụng tả nhiệt (trong phần máu), tiêu chất tích đọng (trong dạ dày, ruột), tan máu ứ. Dùng chữa các chứng bệnh người thể thực nhiệt (quá nóng) mà sinh táo bón, phát cuồng, nói mê, ăn không tiêu, đau bụng, lỵ, hoàng đản, thủy thũng, phụ nữ tắc kinh.

    • Liều dùng: 3 – 12g, sắc uống hoặc tán bột làm thuốc viên uống. Dùng sống có tác dụng tẩy mạnh. Đem đồ thì tác dụng tẩy giảm đi; Sao cháy sém (Thán Đại Hoàng) thì cầm máu; Tẩm rượu (tửu đại hoàng) hoặc sao vàng thì đi khắp các bộ phận cơ thể.

    • Cách bào chế:

      • Tửu đại hoàng: Lấy 10kg đại hoàng phiến trộn với 1kg rượu, sao nhẹ lửa.

      • Thán đại hoàng: Lấy đại hoàng phiến, sao lửa mạnh cho tới màu nâu sém, nhưng phải tồn tính, phun nước để khô.

      • Đại hoàng còn dùng ngoài da chữa mụn nhọt, sưng tấy và bỏng lửa (tán hòa với nước hay giấm để đắp).

    • Theo Tây y, Đại hoàng kích thích sự co bóp của ruột và có tá dụng diệt khuẩn (lỵ, thương hàn, tả, staphytococ).

    • Lưu ý: Phụ nữ có thai hoặc sau khi sinh, đang cho con bú phải dùng cẩn thận. người bị trĩ, người bị kết hạch thận không được dùng. Đại hoàng không nên đun (sắc) lâu.. Có thể hãm nước để uống.

  • Một số ứng dụng chữa bệnh:

    • Bài số 1: Chữa bụng đau, bí đại tiện, nôn mửa: Đại hoàng 7g; Cam thảo 5g. Sắc uống lúc đói.

    • Bài số 2: Chữa chấn thương do ngã, đòn, máu tụ sưng đau: Đại hoàng 18g; Đương quy 18g. Tán bột, uống.. Mỗi lần 9g, ngày 2 lần (có thể với rượu trắng 35độ).

    • Bài số 3: Chữa viêm ruột, đau bụng, tiểu tiện, táo bón: Đại hoàng 9g; Đào nhân 9g; Hạt bí đao 9g; mang tiêu 9g; Mẫu đơn bì 12g; Sắc uống.

Đông y Thiện Tri Thức tổng hợp

Bài viết liên quan