BÍ ĐAO (VỎ QUẢ), BÍ NGÔ

Tên khoa học: BENINCASA hispida (thumb) Cogn, họ Bầu bí (Cucurbitaceae). Tên khác là Bí phấn – Bí xanh – Đông qua (TQ)

Bộ phận dùng: Vỏ xanh bên ngoài quả bí đao. Được ghi nhận trong Dược điển TQ.



Mô tả cây: Cây thảo, sống hàng năm thành dây leo (làm giàn), lá to, ngang dọc 10 – 20cm, xẻ 5 thùy chân vịt, có lông. Hoa đơn tính màu vàng, quả dài 20 – 50cm, đường kinh khoảng 10 – 20cm, khi non quả có lông khi già phủ lớp phấn sáp bên ngoại, có nhiều hạt dẹt. được trồng nhiều nơi với 2 giống chính là: 

Bí đá: quả nhỏ, dài, cứng, vỏ ít phấn trắng bên ngoài, dày cùi, ít ruột, ăn ngon, sản lượng thấp.

Bí gối: quả to, quả già có lớp phấn sáp trắng, ruột nhiều, sản lượng quả nhiều.

Thu hái và chế biến: Thu hoạch quả già vòa khoảng thời gian tháng 8 – 10.

Công dụng: Theo Đông y, vỏ bí đao có vị ngọt, tính hơi lạnh, vào các kinh: Tỳ, Vị, Đại trường, Tiểu trường, có tác dụng lợi niệu, giải nhiệt, lợi sữa. Liều dùng là khoảng 20 – 80g (tươi) và 5 – 20g (khô).
Lưu ý: Người thể lạnh, yếu mệt không nên uống. hạt bí đao cũng dùng để chữa các chứng bệnh mủ bên trong như viêm phổi, viêm manh tràng, viêm khí quản, ho gà.

Một số bài thuốc ứng dụng: 

Bài số 1: Chữa chứng thuy thũng, bí tiểu, phù do viêm thận: Vỏ quả bí đao 60g; Đậu đỏ 60g; Nhân ý dĩ 30g; Râu ngô 30g. Sắc uống.

Bài số 2: Chữa viêm thận mãn, phù thũng, nước tiểu có albumin: Vỏ quả bí đao 30g; Hoàng kỳ sống 30g. Sắc uống.

Bài số 3: Chữa bệnh sán máng thời kỳ cuối: Dùng vỏ quả bí đao 60g; Hạt bí đao 60g; Hương phụ tự chế 120g; Đậu đỏ 250g. Sắc, cô đặc uống trong 1 ngày, chia làm 5 lần.

BÍ NGÔ

Tên khoa học: Cucurbita pepo L, học Bầu bí (Cucurbitaceae), còn gọi là Bí đỏ, Nam qua (TQ).

Bộ phận dùng: hạt quả bí ngô đã già, chín và đã chế biến khô.



Mô tả cây: Cây thảo, sống hàng năm, dây bò, leo, có những tua cuốn, lá đơn, cuống dài, phiến lá to chia thùy, lá và thân nhiều lông, hoa màu da cam, quả to, tròn, hơi bầu dục, cuống quả 5 cạnh, khi non quả màu xanh, khi chín màu đỏ da cam, vỏ cứng, bên ngoài có lớp phấn sáp. Quả nặng từ 5 – 15kg (cá biệt có quả 100kg). Hạt mầu ngà, hình trứng dẹt, dài 15 – 20mm, rộng 8 – 12mm, dày 2 – 4mm, bóc vỏ cứng bên ngoài, đến màng lụa xanh và nhân, bùi béo, có dầu. Bí ngô được trồng khắp nơi, mùa quả chín tháng 8 – 10. Cây bí đỏ nhưng quả lõm, hơi dẹt là bí rợ (Cucurbita maxima Duch), cũng dùng như bí ngô nói trên.

Thu hái chế biến: Bổ qua chín già, lấy hạt rửa qua rồi phơi, sấy khô. Thành phần có nhiều Protid, lipid, glucid, các chất khoáng P, Mg, Ca, K. Hoạt chất là một alkaloid: cucurbitin trong phôi và vỏ  lụa (có tác dụng tẩy giun sán). Cùi quả bí ngô có các chất protid, lipid, glucid, các acid amin (arginin, adenine…) các chất khoáng P, Na, K, Ca, Mg, Fe, Cu, …vitamin B1, C, carotene.

Công dụng: Theo Đông y, hạt bí ngô vị hơi ngọt, tính âm vào các kinh Vy, Đại trường. Có tác dụng tẩy giun sán, ức chế sự phát triển của sán máng còn gọi là Huyết hấp trùng (Schistosomiase). Cùi quả bí ngô được coi như có tác dụng bổ não. 

Liều dùng: 80 – 120g. Để tẩy sán thường phối hợp với nước sắc hạt cau vì nước sắc hạt cau có tác dụng làm tê liệt phần đầu sán (với những đốt non), còn nhân hạt bí ngô (còn cả vỏ lụa) làm tê liệt khúc giữa và đuôi của sán bò, sán lợn. 

Cách dùng tẩy sán: Sáng sớm lúc còn đói chưa gì, ăn (nhai từ từ và nuốt) tất cả 100g nhân bí ngô sống (bóc vỏ vỏ trắng cứng dai bên ngoài, giữ vỏ lụa ăn cùng với nhân). Sau 2h uống nước sắc hạt cau (độ 60 – 80g, đã đun sắc, khi cần đi đại tiện thì pha chậu nước nóng tới nhiệt độ thân thể (37độ), ngồi vào trong chậu mà đi đại tiện một mạch, không nghỉ nếu không sẽ đứt mất phần đầu sán còn sót lại, 5 – 6 tháng sau sẽ phải làm lại (kiểm tra phần đầu sán đã ra chưa). Nếu có điều kiện sau khi uống nước sắc hạt cau độ 30 phút, thì uống 1 liều thuốc tẩy nhẹ. Trẻ em tùy tuổi và cân nặng. Nếu tẩy giun thì dùng hạt bí ngô (không thêm hạt cau). Hạt bí ngô ăn an toàn đối với trẻ em.

Đông y Thiện Tri Thức tổng hợp

Bài viết liên quan