VIÊM V.A CẤP VÀ MÃN TÍNH
V.A nằm ở vòm họng, là một tổ chức lympho thuộc vòng bạch huyết Waldeyer. V.A phát triển mạnh ở lứa tuổi nhỏ và bắt đầu thoái triển từ 5 – 6 tuổi trở đi.
Viêm V.A cấp tính là viêm nhiễm cấp tính có xuất tiết hoặc có mủ ngay từ nhỏ cũng có thể gặp ở trẻ lớn và người lớn trong khi viêm VA mãn tính là tình trạng quá phát hoặc xơ hóa sau viêm nhiễm cấp tính nhiều lần.
Nguyên nhân có thể là do virus như Adenovirus, Myxovirus…hoặc do vi khuẩn như tu cầu vàng, liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A.
Triệu chứng của Viêm VA câp tính ở trẻ sơ sinh thường là sốt cao đột ngột, kèm theo hiện tượng phản ứng dữ dội như co thắt thanh môn, co giật; ở trẻ lớn có thể thêm co thắt thanh quản, đau tai và có khi phản ứng màng não những diễn ra nhẹ hơn trẻ sơ sinh.
Có thể nhận thấy viêm VA cấp tính còn có một số triệu chứng cơ năng như ngạt mũi, thậm chí ngạt hoàn toàn và phải thở bằng miệng, thở nhanh và nhịp không đều. trẻ lớn có thể thấy tình trạng thở ngáy nhất là về đêm, có giọng mũi kín. Khi thăm khám thấy hốc mũi có mủ nhày, khám màng nhĩ có thể thấy mất bóng, xám đục, hơi lõm vào do tăc vòi nhĩ.
Đối với viêm VA mạn tính triệu chứng thường xuất hiện từ tháng 18 đến khi trẻ 6 – 7 tuổi.
Trẻ có sốt vặt, phát triển chậm so với lứa tuổi, kém nhanh nhẹn, ăn uống kém, người gày, da xanh. Trẻ có đãng trí, kém tập trung tư tưởng, thường thở mạnh do thiếu oxy não. Triệu chứng cơ năng ở trẻ thường có ngạt tắc mũi, ngạt tăng dần theo tuổi và thường há miện để thở, giọng mũi kín. Mũi trẻ thường có tiết nhày, ho khan, ngủ không yên giấc, ngáy to và hay giật mình, tai nghe kém và hay bị viêm.
Việc điều trị phải được bác sỹ chuyên khoa thăm khám và xác định; tuy vậy về nguyên tắc có thể hiểu có thể điều trị VA cấp tính bằng nâng cao thể trạng, chỉ dùng kháng sinh khi có nghi ngờ nhiễm khuẩn hoặc đe dọa có biến chứng. Trong trường hợp có VA mạn tính thông thường chỉ định là phẫu thuật nạo VA.
Viêm VA nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra biến chứng như viêm thanh - khí - phế quản gây ra cơn khó thở đột ngột và dữ dội về đêm và sáng thậm chi xuất hiện cơn hen; viêm tai giữa, viêm đường tiêu hóa, viêm hạch gây áp xe, thấp khớp cấp, viêm cầu thận cấp, viêm ổ mắt ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn cơ thể: biến dạng lồng ngực, lưng cong hoặc gù, mệt mỏi, buồn ngủ, kém thông minh.
Để dự phòng bệnh cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng chế độ dnh dưỡng hợp lý, tăng cường miễn dịch cho trẻ có miện dịch kém;
Cần phòng tránh các vụ dịch lây truyền theo mùa của đường hô hấp, mũi họng, chăm sóc và vệ sinh răng miệng tốt.
Cần giữ cho cơ thể, ngực ẩm khi có thay đổi thời tiết. Trong các trường hợp viêm mũi họng cần điều trị đúng và kịp thời.
Đông y Thiện Tri Thức tổng hợp