VIÊM PHỔI

I. TỔNG QUAN

Viêm phổi là tình trạng bệnh hay gặp cả người lớn và trẻ nhỏ đặc biệt khi thời tiết lạnh hay chuyển mùa, đôi khi cũng là hệ quả của các bệnh khác như viêm họng hay đơn giản như cúm.

Vậy nguyên nhân, triệu chứng và hướng phòng bệnh như thế nào? Bài viết nhằm giúp các bạn có những nét cơ bản nhất về viêm phổi và cách phòng bệnh.

Khái niệm: Viêm phổi (Pneumonia) là tình trạng viêm nhiễm của nhu mô phổi bao gồm: viêm phế nang, túi phế nang, ống phế nang, tổ chức liên kết kẽ và viêm tiểu phế quản tận cùng. Nguyên nhân là do vi khuẩn, virus hoặc ký sinh vật.

Đặc điểm tổn thương của phổi là khối đông đặc của nhu mô phổi. Viêm phổi tuy đã có thể điều trị dứt điểm song nó vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em và người già.

Viêm phổi thường được chia thành hai dạng chính: Viêm phổi thùy và Phế quản phế viêm (viêm phế quản phổi).

Hình ảnh tổn thương phế nang do viêm phổi

II. NGUYÊN NHÂN VÀ TRIỆU CHỨNG , PHÒNG BỆNH 

1. Nguyên nhân:

Thường do các vi sinh vật gây ra (vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng, nhưng thường gặp nhất là vi khuẩn. Trong nhiều năm trở lại đây có xuất hiện mới nhiều tác nhân có thể gây viêm phổi như các chủng cúm A/H5N1, H1N1.

Đối với các vi sinh vật thì chủ yếu là do hít phải hoặc do áp xe, các ổ nhiễm trùng theo máu lên phổi.

Ngoài ra còn có nguyên nhân như trào ngược dạ dày khi ngủ vào phổi do hôn mê…

2. Một số yếu tố thuận lợi gây viêm phổi:

  • Người bệnh bị nhiễm lạnh đột ngột, thời tiết chuyển lạnh.
  • Sau các bệnh như cúm, viêm xoang hoặc sởi.
  • Cơ thể suy dinh dưỡng, người già suy kiệt, trẻ em có miễn dịch kém.
  • Ứ đọng phổi do nằm lâu vì tai biến mạch não hoặc hôn mê.
  • Có biến dạng và cong vẹo cột sống hoặc lồng ngực.
  • Tắc nghẽn đường thở.
  • Các bệnh ở tai, mũi họng: viêm xoang, amiđan…

Hình ảnh chụp X - Quang viêm phổi

3. Triệu chứng

  • Với viêm phổi thùy: bệnh thường khởi phát đột ngột sốt cao, tăng nhanh, mạch nhanh nhỏ, trẻ em có thể co giật. Kèm theo triệu chứng đau ngực bên tổn thương; Ho khan lúc đầu về sau ho ra đờm đặc có màu gỉ sắt, có khi nôn trớ, chướng bụng, đau bụng.
    • Thực thể có thể thấy bệnh nhân có rì rào phế nang giảm, nghe thấy tiếng cộ màng phổi.
    • Thời kỳ toàn phát: có rì rào phế nang mất, gõ đục, trên X-Quang thấy đám mờ, bạch cầu tăng cao, cấy máu có thể có phế cầu.
  • Với phế quản phế viêm: nguyên nhân chủ yếu là do phế cầu, tụ cầu, liên cầu, trực khuẩn. Thường khởi phát trên những bệnh nhân bị các bệnh như: bệnh truyền nhiễm cúm, sởi, ho gà, sôt xuất huyết; nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm tai, viêm xoang; hoặc những bệnh gầy mòn, già yếu.
    • Bắt đầu là sốt nhẹ; đau ngực không rõ ràng; ho và khạc đờm đặc có mủ; toàn phát có thể có khó thở nhiều, tím môi, cánh mũi phập phồng.
    • X-Quang có nhiều nốt mờ rải rác hai bên đáy. Bệnh thường nặng nhất là trẻ sơ sinh và người già.

Tổn thương ở phổi có thể gặp bất cứ độ tuổi nào!

4. Dự phòng: Tuy có nhiều kháng sinh hỗ trợ điều trị nhưng Viêm phổi vẫn là dạng bệnh hay gặp chỉ đứng sau các bệnh tiêu hóa lại chưa có thuốc đặc trị riêng, tỷ lệ mắc cao nên việc phòng tránh là điều cần thiết.

  • Thực hiện điều trị tốt ổ nhiễm khuẩn tại vùng tai, mũi, họng nhất là viêm xoang có mủ, viêm họng bằng kháng sinh theo phác đồ được chỉ định ( không dùng thuốc tùy tiện).
  • Điều trị tốt những đợt cấp tính của viêm phế quản mạn tính.
  • Loại bỏ hoàn toàn những yếu tố kích thích có hại như thuốc lá, thuốc lào.
  • Giữ ấm cổ, ngực, không để lạnh đột ngột.

Khi có những dấu hiệu của viêm mũi họng cũng như những triệu chứng như trên hãy đến cơ sở y tế uy tín để khám và điều trị sớm.

Đông Y Thiện Tri Thức tổng hợp.

Bài viết liên quan