VIÊM PHẾ QUẢN CẤP TÍNH

I. TỔNG QUAN

Viêm phế quản cấp tính là một bệnh hay gặp vào lúc giao mùa đông – xuân. Bệnh có diễn tiến lành tính nhưng hay tái phát do vậy ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày đặc biệt là trẻ em và người già.

Khái niệm: Viêm phế quản cấp tính là tình trạng viêm nhiễm niêm mạc của phế quản lớn và phế quản trung bình, khi viêm nhiễm cả khí quản gọi chung là viêm khí – phế quản.

  • Khi viêm lan đến tiểu phế quản tận và phế nang thì gọi là phế quản phế viêm.

Nguyên nhân:

  • Sau nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như: viêm mũi, viêm VA, viêm amiđan, viêm xoang, viêm họng.
  • Người bệnh hít phải hơi độc: khói thuốc lá, acid, dung môi công nghiệp, hơi độc.
  • Sau mắc một số bệnh như cúm, ho gà, sởi.

Một số yếu tố thuận lợi tạo điều kiện cho bệnh khởi phát:

  • Thay đổi thời tiết và nhiễm lạnh đột ngột.
  • Cơ thể có suy dinh dưỡng, còi xương, suy mòn, hoặc suy giảm miễn dịch, trẻ đẻ non.
  • Có các bệnh liên quan đến phổi, ứ đọng phổi do suy tim.
  • Môi trường sống ô nhiễm, nhiều khói bụi.

II. Triệu chứng và phòng bệnh

Triệu chứng trên lâm sàng: Khởi đầu là triệu chứng của viêm đường hô hấp trên như hắt hơi, sổ mũi và/hoặc viêm mũi họng. Sau lan xuống đường hô hấp dưới với biểu hiện trước tiên bằng ho khan, ho ông ổng và đau rát. Với hai đoạn chính của giai đoạn toàn phát:

  1. Giai đoạn khô: người bệnh có cảm giác đau rát bỏng sau xương ức, khi ho bệnh nhân sẽ thấy đau tăng lên, dẫn đến đau ngực do ho kéo dài. Ho khan, ông ổng từng tiếng, ho theo cơn và khản tiếng. Giai đoạn này người bệnh có sốt vừa, khoảng 38oC. Có đau mình mẩy, kém ăn. Khám phổi có thể thấy ran rít và ran ngáy rải rác. Giai đoạn khô thường kéo dài khoảng 3 đến 4 ngày sau đó chuyển sang giai đoạn ướt.
  2. Giai đoạn ướt:  kéo dài khoảng 5 đến 7 ngày, một số trường hợp nặng có thể kéo dài vài tuần với các dấu hiệu:
    1. Sốt cao.
    2. Ho nhiều, có đờm, số lượng đờm tăng dần, đờm nhày hoặc có mủ vàng xanh.
    3. Cảm giác bỏng rát sau xương ức giảm dần và hết.
    4. Có khó thở nhẹ.
    5. Phổi có nhiều ran rít và ran ngáy.
  3. Trên xét nghiệm lâm sàng thấy có lượng bạch cầu đa nhân trung tính tăng cao, tốc độ máu lắng tăng nhẹ. Soi tươi và cấy đờm có thể thấy vi khuẩn gây bệnh; Trên X-Quang không thấy gì đặc biệt.
  4. Ở người sức khỏe bình thường không cần điều trị hoặc dùng kháng sinh vì không cần thiết, bệnh sẽ tự khỏi sau khoảng 10 ngày. Hạ sốt nếu sốt cao, chỉ sử dụng kháng sinh nếu có ho kéo dài và khạc đờm mủ trên 7 ngày theo hướng dẫn của thày thuốc. Có thể dùng các thuốc nam, thảo dược hỗ trợ giảm cảm giác khó chịu khi ho và nâng cao sức đề kháng. 
     

Phòng bệnh:

  • Không để lạnh đột ngột, nếu đang ho cần giữ ấm cổ và ngực, tránh gió lạnh, uống đủ nước.
  • Đảm bảo chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý, cần thường xuyên nâng cao thể trạng của mình.
  • Không để môi trường khói bụi, ở nơi thông thoáng.
  • Không hút thuốc lá, thuốc lào, tránh bị hút thuốc thụ động.
  • Điều trị tích cực và triệt để các ổ nhiễm khuẩn tai – mũi – họng.

Đông y Thiện Tri Thức tổng hợp

Bài viết liên quan