NHIỄM KHUẨN HÔ HẤP Ở TRẺ EM

I. Tổng quan

Y học hiện đại coi nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em, đặc biệt dưới 5 tuổi. Do tầm quan trọng của vấn đề nên ngày nay Tổ chức y tế thế giới đã xây dựng riêng một chương trình về chống nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ.

Phân loại:

  • Dựa vào đặc điểm lâm sàng có thể chia nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính thành các loại
  • Phân loại theo vị trí tổn thương: nhiẽm khuẩn đường hô hấp trên hay dưới

  • Theo bệnh sử có nhiễm khuẩn thể nhẹ (không viêm phổi); thể vừa (viêm phổi) hoặc thể nặng (viêm phổi nặng hoặc rất nặng).

II. Triệu chứng, nguyên nhân và luận trị

BỆNH THUỘC PHẠM VI CHỨNG KHÁI THẤU, ĐÀM ẨM (TRỪ VIÊM TAI GIỮA)

Chủ chứng: ho khạc đờm, nặng kèm theo khó hở.

Nguyên nhân và biện chứng:

Chứng khái thấu do các nguyên nhân ngoại cảm và nội thương phạm phế gây ra. Tuy nhiên ho còn có thể do các tạng phủ khác, không phải chỉ riêng phế. Ở trẻ em, ho chủ yếu do ngoại cảm gây ra.

Do công năng bảo vệ bên ngoài suy giảm hoặc mất điều hòa, cảm phải tà khí lục dâm trái thường, công năng chủ khí của phế bị rối loạn, khí không túc giáng được, nghịch lên sinh ho, khó thở. Phế và tỳ có quan hệ tương sinh. Bệnh phế cũng ảnh hưởng đến tỳ, công năng tỳ rối loạn sinh thấp đàm. Vì khí hậu bốn mùa thay đổi nên bệnh cũng khác nhau. Phong là khí đứng đầu lục dâm, các tà khí khác thường theo phong mà vào cơ thể. Bệnh ho ngoại cảm thường lấy phong làm tiền đạo kiêm thêm tà khí khác như phong hàn, phong nhiệt…

Y học cổ truyền cho rằng nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính thể vừa và thể nặng thuộc hệ thống các bệnh ôn nhiệt. bệnh thường phát vào mùa đông xuân nên thuộc phong ôn…

Trong các dạng nhiễm khuẩn viêm đường hô hấp trên và thể nhẹ thì YHCT điều trị cho kết quả tốt; với các dạng còn lại sau điều trị cấp có thể dùng YHCT để nâng cao thể trạng.

Với những triệu chứng ho kéo dài trên 30 ngày cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để phát hiện sớm và điều trị kịp thời dù chưa thấy có dấu hiệu nặng.

III. Điều trị cụ thể:

1. Phong hàn phạm phế

  • Triệu chứng: Ho nặng, thở gấp, họng ngứa, đờm trắng loãng. Thường kiêm biểu chứng phong hàn: phát sốt, sợ rét, không có mồ hôi, ngạt mũi, chảy nước mũi trong, nhức đầu, chân tay mỏi, không khát. Rêu lưỡi mỏng trắng, mạch phù hoặc phù khẩn.

  • Điều trị: Sơ phong tán hàn, tuyên phế chỉ khái.

  • Bài thuốc TAM ẢO THANG

Ma hoàng

4g

Cam thảo

8g

Hạnh nhân

8g

 

 

Sắc uống chia 2 lần/ngày

Trẻ ho nhiều gia thêm bách bộ 8g, tử uyển 6g đểu nhuận phế chỉ khái.

Nếu ho do ngoại cảm phong hàn kéo dài không khỏi, biể tà chưa hết hoặc hết lại tái phát, họng ngứa khạc đờm, dùng bài CHỈ THẤU TÁN

Cát cánh

4g

Bách bộ

6g

Tử uyển

6g

Cam thảo

8g

Trần bì

4g

Bạch tiền

4g

Kinh giới

10g

 

 

Sắc uống chia 2 lần/ngày

Nếu hàn nhiệt bị lấn át, ho tiếng khan, thở gấp như suyễn, đờm dính, miệng khát, tâm phiền, mình nóng gia thêm Thạch cao 16g, hoàng cầm 12g, Tang bạch bì 12g để giải biểu hàn, thanh lý nhiệt.

2. Phong nhiệt phạm phế:

  • Triệu chứng: Ho dữ dội liên tục, thở to hoặc khan khan, giọng khô đau, đờm dính đặc khó khạc hoặc vàng đặc, khi ho vã mồ hôi. Kiêm biểu chứng phong nhiệt: sốt, sợ gió, nước mũi vàng đặc, họng khô miệng khát, môi hồng, đau đầu và tay chân, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch phù hoạt, phù sác.

  • Phép điều trị Sơ phong thanh nhiệt, túc phế hóa đàm.

  • Bài TANG CÚC ẨM

Tang diệp

10g

Bạc hà

3g

Liên kiều

6g

Lô căn

8g

Cúc hoa

4g

Cam thảo

3g

Hạnh nhân

8g

Cát cánh

8g

Sắc uống chia 2 lần/ngày

Họng đau, tiếng khan gia Xạ can 4g; Xích thược 8g để thanh nhiệt thông họng.

Nhiệt hại phế tân, miệng họng khô, lưỡi hồng gia Sa sâm 10g, Hoa phấn 10g để thanh nhiệt sinh tân.

Mùa hà kiêm thử khí gia Lục nhất 10g, hà diệp 8g để thanh nhiệt giải thử.

3. Phong táo phạm phế

  • Triệu chứng: ho khan từng thôi dài, họng ngứa khô đau, không có hoặc ít đờm, đờm thành từng sợi dính khó khạc hoặc lẫn sợi huyết. Lúc đầu cũng thường có biểu chứng ngạt mũi, đau đầu, hơi rét, mình nóng, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc vàng mỏng, lưỡi đỏ khô, ít tân dịch, mạch phù sác hoặc tế sác.

  • Phép điều trị: Sơ phong thanh phế, nhuận táo chỉ khái

  • Bài thuốc TANG HẠNH THANG

Tang diệp

4g

Hạnh nhân

6g

Bối mẫu

4g

Đậu sị

4g

Lê bì

4g

Sa sâm

8g

Chi tử bì

4g

 

 

Sắc uống chia 2 lần/ngày.

Tân tổn thương nhiều gia Mạch môn 10g, Ngọc trúc 8g để tư dưỡng phế âm.

Nhiệt nặng gia thêm Thạch cao 16g; Tri mẫu 12g để thanh nhiệt.

Trong đờm có huyết gia Mao căn 6g để thanh nhiệt chỉ huyết.

Ba thể bệnh kể trên tương đương với viêm đường hô hấp trên, nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính thể nhẹ (không viêm phổi) do virus.

4. Đờm nhiệt uất ở phế:

Tương đương với các nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính thể vừa (viêm phổi) do vi khuẩn.

  • Triệu chứng: Tiếng ho, tiếng thở to gấp. Họng nhiều đờm, đờm dính hoặc vàng đặc khó khạc, mùi nóng tanh hoawjc trong đờm có huyết. Ngực sườn trướng đầy, ho đau ran. Mặt đỏ, mình nóng sốt, miệng khô, thích uống nước. Lưỡi đỏ, rêu mỏng, vàng nhờn, mạch hoạt sác.

  • Phép điều trị: Thanh nhiệt hóa đàm, túc phế.

  • Bài thuốc: Thanh Kim hóa đàm thang

Trần bì

6g

Hoàng cầm

10g

Mạch môn

12g

Chi tử

8g

Cam thảo

6g

Qua lâu nhân

8g

Bối mẫu

6g

Cát cánh

6g

Tri mẫu

10g

Tang bạch bì

10g

Phục linh

8g

 

 

Sắc uống chia 2 lần/ngày.

Đờm vàng như mủ, mùi tanh gia Ý dĩ 12g, hạt bí đỏ 8g để thanh hóa đàm nhiệt.

Ngực đầy tức khí nghịch, đàm tràn lên đại tiện bì gia Đinh lịch tử 6g, Phong hóa tiêu 8g để tả phế trục đàm.

Đàm nhiệt hao tân gia Sa sâm 10g, Thiên môn 8g, Hoa phấn 8g để dưỡng âm sinh tân.

5. Phế âm hư:

Tương đương với giai đoạn hồi phục của các nhiễm khuẩn hô hấp cấp thể nặng (viêm phổi nặng hoặc rất nặng) do vi khuẩn.

  • Triệu chứng: Ho khan hoặc ít đờm trắng dính, trong đờm có thể có máu, tiếng ho ngắn gấp. Nói khan, miệng khô họng ráo. Quá trưa phát sốt, hai gò má đỏ, lòng bàn chân tay nóng, đạo hãn. Người gày mệt mỏi, da khô nóng, ăn kém. Lưỡi đỏ ít rêu. Mạch tế sác.

  • Phép điều trị: tư âm nhuận phế, chỉ khái hóa đàm

  • Bài thuốc SA SÂM MẠCH ĐÔNG THANG

Tang diệp

6g

Hoa phấn

6g

Sa sâm

12g

Ngọc trúc

8g

Mạch môn

12g

Biển đậu

6g

Cam thảo

4g

 

 

Sắc uống chia hai lần một ngày.

- Có thể thêm Xuyên bối mẫu 6g, hạnh nhân 8g để nhuận phế hóa đàm.

- Tan bạch bì 8g, Địa cốt bì 10g để thanh phế tả hỏa.

- Triều nhiệt gia thêm Ngân sài hồ 8g; Thanh cao 12g, Miết giáp 16g; Hồ hoàng liên 12g để thanh hư nhiệt.

- Đạo hãn gia thêm ô mai 6g, phù tiểu mạch 8g để thu liễm.

- Đờm vàng gia Cáp phấn 8g; Tri mẫu 10g, Hoàng cầm 12g để thanh nhiệt hóa đàm.

- Trong đờm có huyết gia Đan bì 8g; Chi tử 10g; Ngẫu tiết 10g để thanh nhiệt chỉ huyết.

- Ăn ngủ kém gia thêm Hoài Sơn 10g, Liên tâm 6g để kiện tỳ dưỡng tâm.

Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em rất hay gặp trên lâm sàng, tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh mà YHCT tham gia điều trị hay hỗ trựo điều trị. Nếu vận dụng đúng khả năng điều trị của YHCT sẽ giúp đạt kết quả điều trị tốt nhất. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả điều trị, giảm số lần mắc bệnh cho trẻ, việc nâng cao thể trạng là điều cần thiết mà theo YHCT chính là bổ tỳ thổ để sinh phế kim.
 

Bài viết có tính tham khảo không thay thế cho sự khám và điều trị của thày thuốc.

Đông y Thiện Tri Thức tổng hợp

Bài viết liên quan