ÂM DƯƠNG TRONG ĐỜI SỐNG CỦA DÂN TỘC Á ĐÔNG

Từ xưa đến nay, ở Á Đông triết lý âm dương chẳng phải chỉ dành riêng cho những học giả công phu hay các triết gia uyên bác như Khổng tử đọc Kinh dịch đến 3 lần đứt lề sách, mà trái lại được phổ biến và thực dụng trong mọi tầng lớp của dân chúng.

Luật Âm dương chẳng những được áp dụng trong các ngành thiên văn, lý số hay y học và phong thủy mà nó còn thiết dụng trong các môn như kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, canh nông và trong cả sự ăn uống nghĩa là trong mọi mặt của đời sống xã hội.

Nhờ theo tạo hóa mà con người có một cơ thể cường tráng, tuy ăn uống đơn sơ, đạm bạc, quần áo giản dị, thường dầm mưa dãi nắng nhưng ít khi ốm đau bệnh tật do vậy mà tinh thần cũng trong sạch nên đạo đức càng được nâng cao, tệ nạn của xã hội và bao tội ác vì chủ nghĩa khoái lạc không mấy khi xảy đến. Thuần phong mỹ tục của các dân tộc Á đông chính là sản phẩm của nếp sống thanh bần nhưng hợp lẽ Âm Dương của tạo hóa.

Ngày xưa ở Á Đông mỗi lần Đông qua, Xuân đến trong dân gian lại vui mừng tụ họp nhau ôn lại bài học Âm dương dưới hình thức tươi đẹp và hấp dẫn của hội hè. Qua thời gian những mỹ tục đó cùng ý nghĩa của nó bị cuốn theo lối sống vật chất, tuy rằng còn giữ lại được chút ít song không đáng kể và giá trị của nó thì chẳng còn mấy người có thể hiểu được.

Trước năm 1945, ở làng Đông vị và làng Bích Đại, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên nay thuộc Vĩnh Phúc miền Bắc nước ta có tục lệ đến ngày mồng bốn, năm tháng giêng hàng năm làm lễ trình nghề. Mỗi nhà nông nào có trâu mà năm đó không có tang sự thì phải chuẩn bị một con trâu giả làm bằng rơm mang ra sân làng làm lễ. Người ta buộc một cái cày lưỡi gỗ vào con trâu giả. Một người đàn ông khỏe mạnh tay cầm cày, một người kéo trâu (hai người này tượng trưng cho sự lao động và làm việc tức là thuộc Dương), cùng lúc đó một thiếu nữ mười bảy tuổi bưng một thúng trấu giả làm thóc vãi giống theo đường cày (người nữ tượng trưng cho sinh sản, nảy nở, sung túc, phì nhiêu tức là thuộc về Âm). Lai có thêm hai người con gái giả trai và hai người con trai giả gái (tượng trưng cho trong Âm có Dương và trong Dương có Âm, Dương sinh Âm và Âm sinh Dương, Âm Dương đắp đổi) làm thể đụng lẫn nhau vì độc Dương không sinh mà cô Âm chẳng khởi. Khi nghi lễ chấm dứt, dân chúng vui chơi, con gái, con trai trong làng thường chia hai phe hát đối để trêu ghẹo lẫn nhau hoạc dùng trầu cau tìm vợ tìm chồng.

Luật Âm Dương không có gì kỳ bí với các dân tộc Á Đông, nó liên quan mật thiết đến cuộc đời họ từ khi sinh ra cho đến khi chết đi nên con người gần như thản nhiêm với nó với quan điểm “Sống gửi thác về - Sinh ký tử qui”.

Âm Dương biến dịch ra các quẻ, lấy vuông tròn để ám chỉ việc thuận trời đất. Người xưa luôn ám chỉ việc gì cũng phải thuận theo lẽ trời như vậy là tốt là thiện: người mẹ sắp sinh người ta chúc mẹ trong con vuông, làm việc lớn hôn nhân thì chúc nhau Trăm năm tính cuộc vuông tròn, khi chết được chôn theo cách nào hợp với Phong thủy, hòm vuông mà mộ tròn vậy.

Thời Nghiêu Thuấn bên Trung hoa người ta không xem Vương nghiệp là mối lợi lớn truyền con truyền cháu mà khi muốn truyền ngôi vị, vua cũ phải chọn một người hiểu đạo Trời, nghĩa là hiểu lẽ Âm Dương. Thời sơ cổ nước Việt ta ai cũng biết truyền thuyết Lang Liêu là một tục lệ như vậy.

Tục truyền rằng sau khi thắng giặc Ân, Hùng Vương muốn truyền ngôi cho con bèn hội cả thảy hai mươi hai người con lại mà phán rằng: “Như các con đã thấy, họ Hùng mười mấy đời làm vua mà không lấy vương hiệu, chỉ lo lấy Vương đạo mà chăn dân, làm mà chẳng cậy công, công thành rồi không ở lại, cũng không mong để tiếng hiền tài. Theo chí tiên Vương, nay các con đã khôn lớn, cha muốn truyền ngôi cho các con, nay đến ngày trăng tàn mùa hoa mai nở sắp đến (tức ngày 30 tháng chạp cuối năm – TTT) các con tùy theo sở thích, hiểu biết của mình mà mỗi người dâng một vài món ăn trước là dâng cúng Tiên Vương, sau là để cha xem tài đức các con mà định đoạt người xứng đáng với kỳ vọng muốn dân”.

Các hoàng tử nghe xong ai nấy vội vàng mỗi người một ngả tìm kiếm sơn hào hải vị, tìm những đầu bếp giỏi để nấu những món ngon nhất nhằm giành lấy ngai vàng. Trong các anh em, hoàng tử Lang liêu là người diện mạo tuấn nhã, tính tình hiền hòa, điềm đạm, khí chất thông minh ham học, sau khi nghe phán chưa đi đâu mà vội tắm rửa, ăn chay tinh khiết rồi suy nghĩ và chiêm nghiệm lời dạy của cha và trong lòng thắc mắc suy tư về mối liên quan giữa ngai vàng và thức ăn. Trăng đã ba lần tròn và khuyết mà vẫn chưa tìm ra, vào một hôm mệt quá ngủ thiếp đi, bỗng một vị thần hiện ra bảo rằng: “ Trong trời đất vạn vật hóa sinh là nhờ Âm Dương. Con người sinh tồn là nhờ có thóc lúa. Đối với con người, gạo là của quý báu nhất, không vàng bạc nào có thể thay thế được hay sánh kịp được. Vậy người nên noi theo lẽ Âm Dương lấy gạo nếp bắt thành hình tròn để tượng trưng cho trời, làm hình vuông tượng trưng cho đất, ở giữa lấy nhân đậu để chỉ sinh vật trên đất trộn thêm muối biểu hiện cho biển cả là cố hương của mọi sinh vật trên đời, như vậy mà tượng trưng cho trời đất bao hàm vạn vật. Người há chẳng biết rằng khi bậc thánh nhân nắm được đạo thì thiên hạ cùng theo về hay sao?

Sau khi tỉnh dậy, tinh thần hoàng tử sảng khoái như gặp cố nhân và thực hiện theo lời người dặn. Đến kỳ khi anh em của chàng mang về cung vua những thứ sơn hào hải vị khắp mọi miền thì chàng Lang liêu dâng vua thứ bánh giản dị mà đặc biệt này. Bánh của hoàng tử tuy đơn sơ giản dị và đạm bạc nhưng càng ăn càng thấy ngon ngọt và ý vị. bánh từ những hạt nếp dẻo mềm, hạt đậu béo bở, mặn mòi của muối hợp với nước bọt thành thứ sữa ngon ngọt thơm tho.

Mấy hôm sau lễ thiên vị được cử hành, nhà vua hoan hỷ vì chọn được người xứng đáng nối nghiệp Hùng vương.

Từ đó nước ta, các vua chúa thường dùng bánh chưng, bánh tét, bánh dày để dâng cùng trong tôn thất. Cách làm bánh sau đó được lưu truyền trong dân gian. Thiên hạ hiểu rõ ý nghĩa thiêng liêng bắt chước theo cứ đến tết không luận giàu nghèo nhà nào cũng phải có một ít bánh chưng, bánh tét để dâng cúng tổ tiên và đón chào năm mới.

Đạo với Đời là một, mà ăn với với thuốc cũng chẳng phải hai nên ở Á Đông người ta tôn sùng vua Thần Nông như một tổ nghề Y đạo đồng thời cũng là tổ nghề nông nghiệp.

Thông suốt lý Âm Dương của Trời Đất, Vua Thần nông đã chọn cho dân chúng một thức ăn trường thọ quý giá và cũng là môn thuốc thượng phẩm chữa lành mọi vết thương dù rằng vẫn sử dụng hàng ngày nhưng người ta quên mất tính chất quý giá của hạt gạo để rồi kinh ngạc thâm chí hoài nghi khi nghe đến tác dụng thần kỳ của gạo lứt mà Giáo sư Ohsawa đã chứng minh bằng việc chữa bệnh cho nhiều người trên thế giới.

Hãy sống đúng và thực hành lối sống lành mạnh với thiên nhiên theo lẽ của tạo hóa để có cuộc sống an lành, mạnh khỏe, khỏe cả thân và tâm vậy.

Tổng hợp ĐÔNG Y THIÊN TRI THỨC

(Trích từ zen và phương pháp dưỡng sinh Ohsawa của Thái Khắc Lễ)

Bài viết liên quan