CẨN TRỌNG VỚI DỊ VẬT ĐƯỜNG THỞ

Dị vật đường thở là dị vật bị mắc lại trên đường thở từ thanh quản đến phế quản phân thùy, là bệnh cấp cứu thường gặp trong chuyên ngành tai – mũi – họng, nếu không được chẩn đoán, xử trí sớm, đúng và khẩn trương sẽ dẫn đến các biến chứng nặng nề và có thể tử vong nhanh chóng.

Theo thống kê thì dị vật đường thở chủ yếu gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn, do thói quen hay cho đồ chơi vào miệng; song cũng cần lưu ý là có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi hoàn cảnh nào vì thông thường là do tai nạn trong quá trình sinh hoạt hàng ngày.

Nguyên nhân dẫn đến dị vật đường thở:

  • Vừa ăn vừa cười nói hoặc khóc.
  • Ngậm đồ chơi, hay vật dụng trong khi chơi và làm việc.
  • Rối loạn phản xạ họng, thanh quản ở người gia hoặc ở bệnh nhân có hôn mê; bệnh nhân tâm thần.
  • Uống nước lã bị ký sinh trùng kỳ sinh trong đường thở.

Trên thực tế dù bất kỳ một vật có kích thước như thế nào đều có thể rơi vào đường thở như: hạt lạc, hạt na, hồng xiêm, cúc áo, bã mía… hoặc xương thịt động vật: xương gà, xương cá, càng cua… có thể là những vật như viên bi, đuôi bút, mảnh nhựa…

Triệu chứng khi gặp dị vật đường thở:

  • Khó thở: Giai đoạn đầu khi chưa có nhiễm khuẩn thường là thấy khó thở, nếu mắc tại thanh quản, bệnh nhân có khó thở nhanh tùy vào kích thước của dị vật bị mắc. Nếu dị vật nằm ở khí quản đoạn thấp hoặc phế quản, người bệnh có thể xảy ra khó thở gắng sức thậm chí cả khi nghỉ ngơi.
  • Sốt: khi có nhiễm khuẩn do có di vật hoặc tổn thương do dị vật.
  • Nếu dị vật tại thanh quản: thường là vật dẹt, sắc nhọn, sù sì…thì tùy thời gian mắc bệnh mà người bệnh có thể có khan tiếng, mất tiếng; có thể có khó thở ở thanh quản, người bệnh có ho khan kéo dài làm tăng nặng tình trạng khó thở.
  • Nếu dị vật tại khí quản: thường là vật có tính tròn, nhẵn, trơn tru… người bệnh có các cơn ho rũ rượi, sặc sụa hoặ tím tái. Khi cơ hoc mạnh làm dị vật bắn lên thanh môn có thể làm cho người bệnh ngạt thở nếu không cấp cứu kịp thời người bệnh sẽ tử vong.
  • Nếu dị vật tại phế quản: người bệnh có thể có khó thở, sốt vừa hoặc sốt cao tùy theo mức độ viêm nhiễm ở phổi, khám phổi thấy có rì rào phế nang giảm, kèm theo ran rít, ran ngáy…

Việc khám và chẩn đoán phải được bác sỹ chuyên khoa theo dõi, tránh nhầm lẫn với những bệnh như viêm phổi, áp xe phổi, xẹp phổi.

Điều trị trong trường hợp này về nguyên tắc là phải đảm bảo khai thông đường thở, lấy dị vật càng sớm càng tốt.

Có thể soi gắp dị vật nếu điều kiện cho phép và đảm bảo an toàn, trường hợp không có khả năng cần chuyển đến cơ sở y tế chuyên khoa.

Trong trường hợp tối cấp:

  • Cho bệnh nhân nằm dốc đầu, vỗ mạnh vào ngực lưng cho người bệnh khóc hoặc khạc ra dị vật nếu được, khi vật ra vùng hầu họng có thể thận trọng để lấy ra.
  • Nếu người bệnh có ngạt thở cấp cứu, có thể  dùng nghiệm pháp Heimlich, ép lồng ngực tạo áp lực đẩy dị vật ra ngoài.
  • Trong cấp cứu tối cấp có thể mở khí quản cấp cứu hoặc gắp hoặc đẩy dị vật xuống miễn làm sao khai thông đường thở càng sớm càng tốt sau đó đưa người bệnh đi cấp cứu.

Người bệnh có dị vật  nếu kích thước lớn có thể gây tử vong do bị lấp bít đường thở gây ngạt thở cấp nếu không cấp cứu sớm.

Dị vật có thể gây viêm phế quản, viêm phổi, tràn khí màng phổi, xẹp phổi, sẹo hẹp thanh quản.

Dự phòng trong sinh hoạt hàng ngày cần lưu ý:

  • Không vừa ăn vừa cười đùa, không ép trẻ ăn khi trẻ đang khóc.
  • Không để trẻ ngậm đồ chơi và vật dụng.
  • Các vật nhỏ, hạt các loại cây cần để xa tầm tay trẻ.
  • Không uông nước lã, đặc biệt nước suối tránh nhiễm kỹ sinh trùng.

Đông y Thiện Tri Thức tổng hợp.

Bài viết liên quan