HƯƠNG PHỤ

  • Tên khoa học: Cyperus rotundus L. , Họ Cói (Cyperaceae). Còn có tên gọi khác là Cỏ cú – Cỏ gấu – Sa thảo…

  • Bộ phận dùng: Thân – rễ (thường quen gọi là củ) đã chế biến khô của cây cỏ gấu. Được ghi nhận vào Dược điển VN và TQ.

  • Mô tả cây: Cây cỏ gấu là một cây cỏ sống lâu năm, cao 20 – 60cm, thân rễ phát triển thành củ. Lá nhỏ hoepj, ở giữa lưng có gân nổi lên, cứng và bóng, phần dưới lá ôm lấy thân cây. Trên ngọn thân mọc từ 3 đến 8 hoa tự, hình tán, hoa lưỡng tính màu hơi xám. Mùa hoa tháng 6 – 7. Quả 3 cạnh màu xám. Loài cỏ gấu mọc ven biển củ to và thơm hơn gọi là Hải hương phụ. Cây cỏ gấu mọc hoang khắp nơi trong nước.

  • Thu hái và chế biến: Thu hái vào mùa thu củ chắc và tốt hơn. Đào lấy củ hoặc nhặt củ sóng đánh dạt ven biển, rửa sạch đất cát rồi phơi khô vừa đủ tới, sau đó đốt sạch rễ con, rồi lại phơi khô, sau đó cho vào cối giã hoặc máy sát cho sạch trụi rễ con (có thể đem đồ rồi phơi khô thì đỡ mốc mọt).

    • Hương phụ mùi thơm, vị hơi đắng. Loại hương phụ củ to đường kính trên 0,5cm, khô chắc, da màu nâu xám, có nhiều bột, mùi thơm mạnh, sạch rễ con, không bị cháy đen, không nát vụn, không tạp chất (củ nhỏ dưới 5%) là tốt. Loại Hương phụ biển (Hải hương phụ) củ to chắc, có giá trị hơn ở đồng bằng.

  • Công dụng: Theo Đông y, hương phụ vị cay, hơi đắng, hơi ngọt, tính bình, vào 2 kinh Can, Tam tiêu. Hương phụ là một vị thuốc quý chữa bệnh phụ nữ. Có tác dụng Lý khí (điều hòa khí), giải uất, điều kinh, giảm đau. Nói chung hương phụ tác dụng giống như đương quy nhưng kém hơn. DÙng chữa các chứng bệnh khí huyết không lưu thông, đau bụng tức ngực, rối loạn tiêu hóa chức năng, đầy bụng, phụ nữ kinh nguyệt không đều. Theo Tây y, Hương phụ có tác dụng giảm đau, chống viêm, chống co thắt.

    • Liều dùng: 5 – 10g, sắc uống.

    • Hương phụ thường được chế biến thành:

      • Hương phụ tử chế: Dùng giấm và rượu mỗi thứ 160g, muối 20g; nước tiểu trẻ em cho vừa đủ ngập hương phụ, 4 thứ trộn đều ngâm 600g hương phụ vào, sau đó cho vào nồi sao cho khô (tới màu hơi vàng). Cũng có thể chia hương phụ làm 4 phần, một phần ngâm dấm, một phần ngâm rượu, một phần ngâm nước tiểu trẻ em, một phần ngâm nước muối rồi sao khô riêng, sau đó trộn đều.

      • Hương phụ thán: Sao lửa mạnh tới khi sém đen nhưng phải tồn tính, bên trong vàng xám thì thôi, rồi phun nước để nguội.

    • Lưu ý: người thuộc thể âm hư, huyết nhiệt thì không được dùng.

  • Bài thuốc ứng dụng:

    • Bài số 1: Cao hương ngải hay HA chữa kinh nguyệt không đều, thấy kinh đau bụng: Hương phụ, Ích mẫu, Ngải cứu, Bạch đồng nữ; mỗi vị 60g. Sắc cô thành cao, thêm đường cho vừa đủ (đóng thành 30 ống 10ml) uống 10 ngày trước khi có kinh, mỗi ngày 1 – 2ống.

    • Bài số 2: Chữa ngực bụng trướng đau, bệnh về chức năng thần kinh dạ dày: Hương phụ 6g; Ô dược 9g; Cam thảo 3g. Sắc uống.

    • Bài số 3: Chữa đau dạ dày do lạnh: Hương phụ 9g; Lương khương 9g. Sắc uống.

    • Bài số 4: Chữa đau bụng khi thấy kinh: Hương phụ 15g; Trần bì 15g; gải diệp 15g; Hoa hồng (thứ đỏ thắm) 2 bông. Sắc uống.

    • Bài số 5: Chữa đau bụng khi thấy kinh: Hương phụ 18g; Ích mẫu 9g. Sắc uống.

  • Bảo quản: Để nơi khô ráo, râm mát, tránh sâu mọt.

Đông y Thiện Tri Thức tổng hợp

Bài viết liên quan