TƯ TƯỞNG CỦA LÃO TRANG VỚI Y HỌC CỔ TRUYỀN P1

Nền y học cổ truyền Phương Đông là nền y học có tuổi đời lâu dài, có những kiến thức vượt thời gian và không gian, chứa đựng trong nó những giá trị nhân văn sâu sắc có phần có thể cảm nhận được nhưng phần lớn hàm chứa và kết tinh những giá trị nội hàm sâu thẳm không lường hết được.

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một vài trích dẫn trong quyển sách “Tư tưởng Lão trang với y học cổ truyền” của Trần Văn Tích; với kiến thức văn hóa và y học vững chắc, cách viết văn uyển chuyển gần gũi tác giả giúp chúng ta có cái nhìn phong phú thêm, đầy đủ hơn về y học cổ truyền cũng như sự đặc biệt của nền y học cổ truyền Phương Đông trong đó có Việt nam.

Quan niệm về bệnh tật.

Khi luận bàn về bệnh tật trước hết chúng ta cùng nhìn nhận quan niệm của ông về bệnh như một đối tượng nhận thức giống như vạn vật: Trang Tử, trong Nam hoa kinh, khi bàn đến cái tận thiện, đã chủ xướng rằng không có một cái tận thiện nào có thể đem đặt làm cái tận thiện mẫu cho muôn loài. Nói cách khác, mỗi vật đều có tính phận riêng của nó, do tạo hóa an bài, cho nên cái tận thiện của hạt minh châu không phải là cái tận thiện của đóa trà my hay của chim anh vũ. Từ đấy suy ra trong cùng một cơ thể phế tạng tận thiện không giống với thận tạng thận thiện. Và do vậy mà người y sỹ phương Đông, trầm mình trong dòng tư tưởng Lão Trang luôn luôn chấp nhận như một định đề. Do vậy bước thêm bước nữa, thận tạng và bệnh tật đương nhiên không giống với phế tạng và bệnh tật, lại bước thêm bước nữa là cá nhân A ốm đau không thể giống với cá nhân B. Đông y có mô tả về một số bệnh – hiểu theo kiểu bệnh ung thư…- thì cũng không bao giờ gán cho bệnh một cái tên quá quan trọng hay trầm trọng như Tây y. Trái lại người y sỹ Đông y chủ yếu lý luận trên cơ sở những hợp chứng, và đối với mỗi hợp chứng , y học cổ truyền lại có một số phương thức kinh điển hoặc canh tân để đối phó với nó…

Vì thế là lý do tại sao Đông y lại có nhiều hình thức bào chế thuốc men mà lại dùng thuốc thang rộng rãi nhất, bởi chỉ có trong một thang thuốc, được kê và bốc ngau sau khi khám bệnh, y sỹ mới dễ dàng thêm bớt – trung hoa gọi là gia giảm - các dược liệu cấu thành thang phương, tùy theo chứng bệnh lý của từng trường hợp một.

Đối với Đông y, thời gian là một yếu tố lượng, mà điểm mấu chốt trong chẩn đoán bệnh không phải là vấn đề bao nhiêu mà là giải bài toán thế nào, tức là số lần mạch đập trong một phút không quan trọng mà là tính đập của mạch như thế nào mới quan trọng. Đối với tiên y phương Đông, tất cả nghệ thuật bắt mạch và chẩn mạch là bí quyết trắc định được cường độ, bản tính của mạch, do đó mới có những lối mô tả phù hợp: mạch phù, trầm, hoạt, sắc…trong khi mạch chậm hay nhanh chỉ có một vai trò phụ thuộc trong triệu chứng học.

Lề lối dùng thuốc và đường hướng trị bệnh

Phong thái bào chế, phối thuốc men của Đông y cũng là phong thái “vi nhi vô vi”: trị bệnh mà như không trị bệnh. Khi đau sắc thuốc uống cũng như khi khỏe pha trà nhấp trà. Xương động vật dùng để nấu cháo thì cũng có thể dùng làm thành cao. Vì vậy, thường ngày chúng ta dùng thực vật, động vật làm thực phẩm thì chúng ta cũng có thể dùng nó làm dược liệu. Cho nên Đông y coi trọng dùng thuốc thiện dụng, dùng toàn bộ vị thuốc mà rất kỵ dùng thuốc trích khai (chỉ chữa một triệu chứng, của một cơ quan nào đó) vì hai lý do: thứ nhất là hợp lẽ tự nhiên,đúng quy tắc “vi nhi vô vi”; thứ hai vì nhãn quan tổng hợp, toàn diện, bởi “nhật vật bất cụ, tắc sinh giả vô do đắc sinh” (một vật không đầy đủ thì sự sống của nó không có lý do để tồn tại). Về nguyên tắc phép dùng thuốc của Đông y là thông qua quy luật đồng khí tương cầu, bởi vì trong vũ trụ,vạn vật vốn đồng nhất thể cho nên trong quyển “Thiên kim phương: đã khuyên lấy gan lào vật chữa chứng bền huyết, tuyến giáp loài dê chữa chứng bướu cổ… Trên khía cạnh khác, tính cách tương ứng giữa mọi sự vật áp dụng vòa dược lý cũng thể hiện qua hình thức phân loại dược vật tùy theo thành phần, bộ phận: hoa, lá có tác dụng thăng phù, đi lên; phần quả hột, rễ voón nặng có công năng trầm giáng đi xuống..

Với quan niệm phép trị lớn (đại thể) thì không trị bằng chia lìa, không phân biệt thân một nơi, tâm một ngả mà phải làm sao cho tâm thể bệnh trở về Thiên chân, tức là cái lẽ sống một; không tách riêng tâm và vật. Phương pháp chữa trị của Đông y: đại chế bất cát – phép chữa lớn không chia. Do vậy thuốc trong Đông y có bổ thì phải có tả, cạnh thuốc bốc lên thì cũng phải có thuốc hạ xuống phần nào. Vì vậy, thuốc của Đông y thường khoan thai, từ tốn – ngay cả khi cấp cứu – ít dùng các loại thuốc công tả mãnh liệt. Bời kẻ sĩ bậc cao không bạo động vũ phu; bậc lương y cũng không bao giờ sử dụng biện pháp gây hấn, mạnh bạo để đối phó với ốm đau mà chỉ huy động những liệu pháp nhẹ nhàng, trầm tĩnh. Ai sử dụng thuốc bắc đều thấy thuốc “không nóng” nhưng không vì thế mà thuốc kém tác dụng…

Về chiến thuật, người thày thuốc vận dụng dược liệu, kim châm cũng không ngoài lẽ đạo. Cho nên: Nếu Đạo của Trời bớt chỗ thừa mà bù vào chỗ thiếu (Thiên chi Đạo tổn hữu dư nhi bổ bất túc – Đạo đức kinh chướng 77) thì  

  • người châm y đâm kim vào huyệt là để rút bớt khí thừa vượng ở một cơ quan nào đó nhằm hướng đến địa khu, kinh lạc khác đang thiếu khí…
  • người y sĩ phục dược là nhắm mượn sức thuốc, tính thuốc dẫn hỏa (chẳng hạn) quy nguyên, khi nguyên đang thiếu hỏa, bở hỏa đã phân tán ra ngoại vi gần hết…
  • trong cả hai trường hợp, dùng thuốc hay dùng kim, bậc lượng y đều có thể tùy theo cơ quan có chức năng tăng hay hoạt hay suy nhượcmà linh động Bổ mẫu hay tả mẫu; bổ tử hay tả tử, châmbổ hay châm tả theo nguyên lý ngũ hành sinh khắc, không ngoài mục đích mang chỗ thừa đắp vào chỗ thiếu.

Theo lẽ Đạo “táo thắng hàn, tịnh thắng nhiệt” (Đạo đức kinh, chương 45), thì chiến thuật dùng thuốc cũng chỉ là lợi dụng sự thiên lệch của tính thuốc vị thuốc để sửa chữa sự thiên lệch của tính thuốc, vị thuốc để sửa chữa sự thiên lệch của âm dương, ví dụ lấy các vị thuốc ôn nhiệt để chế ngự chứng hàn lương… kết quả là trong một thang thuốc, yếu điểm chỉ đạo chính là sự bình quân phải đạt được, sự điều hòa bắt buộc phải có giữa những dược liệu cấu thành thang phương, chứ không phải vấn đề nhiều hay ít, tuy rằng trong thực tế  tất cả nghệ thuật dùng thuốc bốc thuốc là biết dừng lại đúng lúc, biết đến đâu là đủ mà Lão Tử vẫn hằng khuyên nhủ qua những lối nói “tri chủ, tri túc” mà người y sĩ không biết dừng lại thì thật là đại họa.

Chính vì vậy, không có một nền y khoa nào có nổi một mô thức phối hợp dược vật độc đáo như Đông y. Với Đông y, trong một thang thuốc, mỗi vị thuốc có một vai trò linh hoạt và minh bạch. Có vị thuốc vua, có vị thuốc quan, có vị thuốc làm trợ tá (quan, thần, tả, sử). mà không chỉ có vị thuốc vua có vai trò quan trọng mà mỗi loại đều có tính riêng của nó. Cho nên đối với Tây y thì tá dược là một xa xỉ phẩm thì đối với Đông y tá dược là một loại nhu yếu phẩm.  

Cũng vì tình trạng điều hòa giữa các vị thuốc trong một phương tể được xem là cực kỳ quan trọng cho nên có nhiều dược liệu rất được Đông y ân sủng do nơi tính năng hòa hoãn của nó. Ví dụ Cam thảo được đông y mô tả là có tác dụng khiến vị thuốc nóng bớt nóng, vị thuốc lạnh bớt lạnh và là vị thuốc được coi là Quốc lão – hình thượng vị quan đầu triều chuyên dàn hòa những va chạm, xích mích giữa các bạn đồng liêu – vị cam thảo đó luôn chiếm một chỗ ngồi danh dự trong các thang thuốc trong hai quyển “Thương hàn tạp bệnh luận và Kim quỹ yếu lược” của Trương Trọng Cảnh, với 250 bài thuốc thì đã có 120 bài có cam thảo.

Như vậy. mục tiêu tối hậu của phép trị liệu bệnh tật cũng chỉ là giúp bệnh nhân trở lại trạng thái bình thường mà như Trang Tử nói là phận sự duy nhất của mỗi vật là trở về cái chân thể - tức là Đạo – nghĩa là trở về với cái Tính của mình, để sống theo cái tính ấy. Đông y cũng giống như vậy, chữa bệnh là chữa tận gốc, giúp con người trở lại cái nguyên trạng bình thường, giúp vạn vật sống theo tự nhiên: “dĩ phụ vạn vật chi tự nhiên” (đạo đức kinh, chương 64) vì yếu chỉ của nghiệp y không ngoài nguyên tắc “Đạo pháp tự nhiên” (Đạo bắt chước tự nhiên).

Chính do đặc điểm suy tôn phong thái tự nhiên trong điều trị nên Đông phương rất coi trọng Chính khí tức khả năng tự bảo vệ, sức đề kháng của thân mà có phần xem thường tà khí – các nhân tố gây bệnh bên ngoài. Đối với Đông y mục tiêu phải đạt được khi chữa bệnh là tái lập quân bình cơ thể đã bị đổ vỡ vì ốm đau, khi tình trạng chính khí thường được phục hồi thì nguyên nhân gây bệnh sẽ không hoành hành được nữa.

Nếu Tây y chủ trương mở những cuộc hành quân rầm rộ để đánh gục cho kỳ được vi khuẩn tại cứ điẻm của chúng thì Đông y quan niệm cần đặt nặng  vấn đề nâng cao thể trạng để giúp cơ thể tự lực tiêu diệt vi khuẩn hoặc tự tái tạo các yếu tố bất hợp tác với vi khuẩn là cho vi khuẩn không phát triển được do vậy thường có các phép bổ dưỡng sau những trận đau thành công rực rỡ.

Đông y lấy “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” còn Tây y chủ trương “quân điếu phạt trước lo trừ bạo”. Thế nên nếu kết hợp được cả hai trường phái thì sẽ vừa an dân vừa trừ bạo thì tập đoàn vi sinh vật ký sinh sẽ không còn manh giáp nhờ thế mà “xã tắc từ đây bền vững”…

TÍNH CÁCH TỔNG HỢP CỦA ĐÔNG Y

Lý luận như Đông y, luôn luôn tâm niệm rằng mọi sự vật chỉ là một khía cạnh, một giác độ, một bộ phận và rằng sự vật ấy chỉ có lý do tồn tại khi nó được đặt vào bối cảnh của chính nó, với cái toàn thể mà nó là một phần. Theo lý luận của đường hướng đó bắt buộc phải nương tựa vào phương pháp tổng hợp, vốn là một tính cách rất đặc thù của y lý cổ truyền. Tốt xấu, vinh nhục, lớn nhỏ… đều chỉ là kết quả của lề lối nhận thức của kẻ sống trong quan niệm nhị nguyên – hai bên đối đãi và bản ngã (cái tôi), chỉ thấy sự vật rời rạc mà không nhận biết sự liên quan mật thiết trong vạn vật, vốn dĩ chằng chịt, giằng kéo, dính líu đến nhau như tạng phủ, kinh lạc trong cơ thể sống.

Bời lẽ vạn vật đều biến đổi, dịch hóa liên tục cho nên trong môi trường sinh hoạt của nhân loại mọi sự chỉ là tương đối có gì là tuyệt đối. làm thế nào có nổi một danh hiệu, một ý tưởng, một y thuật, một khoa học có tính cách tuyệt đối, khi ma chính bản thân chúng cũng chỉ là những hệ thống tương đối, khi chúng luôn luôn ôm ấp trong bản chất tình trạng đối đãi phản nghịch của chính chúng vì lẽ biến dịch âm dương.

Vì vậy, ta không nên ngạc nhiên khi thấy người y sĩ phương Đông luôn nhìn người bệnh dưới nhãn quan toàn diện hơn, hơn thế còn sẵn sàng đồng hóa nhân thể với vũ trụ…

Lợi điểm to lớn của đường hướng tổng hợp là người thày thuốc nắm vững tin thần y lý phương Đông có khả năng phát giác một số bệnh tật trước khi chúng xuất hiện dưới hình thức lâm sàng – đây cũng là điểm khác biệt rất lớn đối với y học phương Tây.

Với những lý luận này là tiền đề cho phương thức giảng huấn y khoa và đào tạo y sỹ xuyên qua những câu như “y giả ý dã” hoặc “khả dĩ ý hội bất khả dĩ ngôn truyền” (đại ý là ý không thể dùng ngôn ngữ diễn tả hết được); và đúng như vậy, không một danh sư nào có thể giảng dạy  hết được từng trường hợp bệnh cho môn sinh vì bệnh tật thì muôn hình vạn trạng mà mỗi ca là một ca riêng rẽ… Cho nên y học Phương Đông xưa có nét đào tạo rất đặc biệt: y sinh không mất quá nhiều thời gian học hỏi những bộ môn mà nay ta gọi là khoa học căn bản mà thường tiếp xác với người bệnh, tập làm quen với bệnh tật. Đây có thể coi là con đẻ của tư tưởng Lão Trang vốn rất coi trọng cái Dụng và trong trường hợp này là cái Dụng của y khoa. Ở đây danh sư giảng dạy y hoc cho y sinh không ai ngoài chính bản thân bệnh nhân và người lương y xứng đáng với danh nghĩa môn sinh luôn luôn là một nhà lâm sàng giỏi và trước hết phải là một nhà lâm sàng giỏi.

Càng đọc,chúng ta càng thấy sự sâu sắc của Đông y cũng như sự ảnh hưởng của tư tưởng Lão Trang với nền y học phương Đông.

Với những trích dẫn vô cùng thú vị trên chúng tôi hy vọng mang lại cho các bạn cái nhìn phù hợp, đúng đắn và đầy đủ về Y học cổ truyền cũng như những giá trị sâu xa trong đó.

Chúng tôi sẽ cố gắng để giới thiệu từng phần của cuốn sách tới bạn đọc.

Bài viết liên quan