VIỄN CHÍ

  • Tên khoa học: Polygala tennuifolia Wild (Viễn chí lá nhỏ); Polygala sibirica L (Viễn chí  Siberi) họ Viễn chí (Polygalaceae) còn được gọi là Tế diệp viễn chí.
     
  • Bộ phận dùng: Rễ cây viễn chí phơi khô. Được ghi nhận vào Dược điển VN và TQ.
     
  • Mô tả cây: Cây viễn chí là một cỏ nhỏ sống lâu năm, thân cao 20 – 40cm, phân nhiều nhánh, màu lục có lông mềm. Rễ mập dài độ 10cm. Lá nhỏ. Hoa cuống ngắn, màu nhạt, nở vào tháng 5 – 8. Quả nang dẹt, nứt khi già, hạt dài độ 3mm, rất nhiều lông trắng, vị đắng. Ở nước ta có nhiều loài Polygala nhưng chưa được nghiên cứu kỹ và do đó vẫn phải nhập khẩu.


     
  • Thu hái và chế biến: Thu hái vào hai mùa xuân – thu. Đào lấy rễ, cắt bỏ cổ rễ và rễ con, rửa sạch đất cát, phơi khô đến 2 – 3, khi da nhăn thì rút bỏ lõi rồi lại phơi cho thật khô. Rễ viễn chí có ít mùi, vị đắng, nhai thấy hơi tê ở cuống họng. Loại Viễn chí thành hình ống to, thịt dày, đã rút hết vỏ lõi gỗ, khô không mốc là tốt. Cần phân biệt với:
     
    • Polygala sibrrica Linn (Khoan diệp viễn chí), viễn chí lá rộng) rễ nhỏ hơn viễn chí lá nhỏ, công dụng cũng như nhau. Cây viễn chí lá rộng là một cây cỏ nhỏ, sống lâu năm, cao 10 – 20cm. Lá mọc so le, lá chét hình mũi mác, dài 0,6 – 3cm, rộng 0,3 – 0,6cm, hai mặt đều có lông nhỏ mịn. Hoa mọc thành chum, dài 3 – 7cm, cánh hoa màu lam tím nhạt. Quả nang hình trứng, dài độ 4 – 5cm. Cây này có mọc ở Đà lạt.
       
    • Polygala jaonoca Hoult: Cây này còn được gọi là viễn chí Nhật; nam viễn chí, tiêu viễn chí, viễn chí cành nhỏ. Rễ nhỏ cũng có tác dụng dung huyết như cây viễn chí lá nhỏ. Cây viễn chí cành nhỏ là một cây cỏ bụi cao khoảng 10 – 20cm, mang cành ngay tự gốc, cành lá  rất nhỏ, lá nhiều dạng: lá phía dưới hình bàu dục rộng 3 – 5mm, lá phía trên hình dải, đầu nhọn dài 20mm, rộng 3 – 5mm. Hoa mọc thành chum gày: hoa xanh nhạt ở dưới, hoa trắng ở giữa, hoa tím ở đỉnh. Mùa hoa tháng 3. Quả nang. Cây mọc ở vùng Ninh Bình, Nam Định, Thanh hóa.
       
    • Polygala cardiocarpa Kurz, có mọc ở Côn đảo, Bà rịa  Vũng tàu.
    • Polygala tonkinensis Chodat có mọc ở Ba vì và Ninh bình.
    • Polygala brachýtachya DC. Có mọc ở Ninh Bình, Nam bộ.
       
  • Công dụng: Theo Đông y, viễn chí vị đắng, cay, tính ấm vào 3  kinh Tâm , Phế, Thận. Có tác dụng giúp tăng trí nhớ (vì vậy có tên là viễn chí) an thần, tan uất, tiêu đờm, tiêu ung thũng. Theo Tây y, viễn chí có tác dụng: thông đờm, an thần, chống co giật, giảm huyết áp, thúc sinh. Dùng chữa các chứng bệnh hồi hộp, hay quên, thần kinh mất ngủ, suy nhược, viêm cuống phổi, ho nhiều đờm, áp xe, mụn nhọt sưng tấy.
     
    • Liều dùng: 3 – 10g sắc uống sau khi đã bào chế thành 1 trong hai dạng:
       
      • Chích viễn chí: lấy 62,5g Cam thảo, thêm nước đun sôi lọc bỏ bã, cho 1kg viễn chí đã rút bỏ lõi gỗ vào đun nhẹ lửa cho tới khi hút hết nước lấy ra phơi khô.
         
      • Mật viễn chí: lấy 1kg chích viễn chí, thêm 200g mật ong, thêm nước sôi trộn đều, đậy lại sao lửa nhẹ cho tới khi sờ không dính tay, lấy ra để nguội.
         
    • Lưu ý: người thuộc chứng âm hư mà không trệ và có thực hỏa không được dùng.
       
  • Bài thuốc ứng dụng:
    • Bài số 1: Chữa tinh thần không yên: Dùng Viễn chí 6g; Thạch xương bồ 4g; Nhân sâm 6g; Phục linh 6g. làm viên uống.
       
    • Bài số 2: An thần, an tâm chữa mất ngủ: Dùng Viễn chí 5g; Toan táo nhân (sao) 5g; Bá tử nhân 5g; Sắc uống.
       
    • Bài số 3: Chữa các loại ung nhọt, hậu bối, áp xe: Lấy 50g viên chí, rút bỏ hết lõi, phơi khô, nghiền vụn, trộn với 250g, rượu để lắng rồi gạn lấy mà uống, mỗi lần uống 1 – 2 thìa canh.
       
    • Bài số 4: Chữa ho, có nhiều đờm, viêm phế quản mạn tính: Dùng Viễn chí 9g; Trần bì 3g; Cam thảo 3g. Sắc uống.

Bài viết có tính tham khảo không thay thế cho sự khám và điều trị của thày thuốc.

Đông y Thiện Tri Thức tổng hợp.

Bài viết liên quan