VIÊM TAI GIỮA CẤP TÍNH Ở TRẺ EM

Theo định nghĩa thì viêm tai giữa cấp tính được coi là tình trạng viêm nhiễm trong khoang tai giữa với những bệnh cảnh thay đổi theo tuổi tác, loại vi khuẩn gây bệnh, cơ địa từng bệnh nhân. Tình trạng này có thể lan đến xương chũm và các tế bào quanh mê đạo và đinh xương đá.

Nguyên nhân chính của viêm tai giữa cấp tính là do viêm vòm mũi họng, ngoài ra còn có thể là do các bệnh nhiễm trùng toàn thân như cúm, sởi hoặc những bệnh cục bộ như viêm mũi, viêm xoang…

Triệu chứng trên lâm sàng rất đa dạng tùy thuộc vào tuổi tác, loại vi khuẩn và cơ địa:

  • Giai đoạn đầu thường là có sổ mũi, ngạt mũi, đột nhiên đau tai nhiều kèm theo sốt cao; khám tai và màng nhĩ thấy vùng xung huyết đỏ ở góc sau hoặc dọc theo cán búa.
  • Giai đoạn toàn phát: có mủ xuất hiện trong hòm nhĩ có hai trường hợp:
    • Một là màng nhĩ chưa vỡ, mủ tích tụ trong màng nhĩ làm tăng áp lực gây ra cảm giác đau, mỗi ngày một tăng, đau sâu trong tai, đau theo mạch nhịp, lan ra sau tai vùng thái dương hoặc xuống răng; Tình trạng nghe kém rất nhiều, bệnh nhân có triệu chứng phụ như ù tai, cảm giác đầy tai, chóng mặt.
    • Hai là màng nhĩ vỡ, do thày thuốc chích mủ hoặc do sức ép của mủ vào khoảng ngày thứ tư. Khi vỡ mủ ra ngoài bệnh nhân không đau tai nữa, nhiệt đọ giảm về bình thường, ăn ngủ được. Trong trường hợp không chích rạch để tự vỡ có thể vỡ bất kỳ chỗ nào, mủ không được dẫn lưu tốt ra ngoài làm cho tình trạng viêm kéo dài hơn.
  • Cũng cần lưu ý đến sự giống nhau của các triệu chứng trong các bệnh viêm màng nhĩ đơn thuần có xung huyết, không nghe hoặc nghe kém; hoặc người bệnh có nhọt tai ngoài, viêm ống tai ngoài đơn thuần hoặc có kết hợp với viêm tai giữa;
  • Việc chẩn đoán và điều trị cần có bác sỹ chuyên khoa tai, mũi họng; tùy theo tình trạng của bệnh và của màng nhĩ.

Bệnh có thể lành trở lại bình thường nếu mủ được dẫn lưu tốt và sức đề kháng cao ngược lại nếu độc lực mạnh kèm dẫn lưu không tốt dễ gây ra biến chứng hoặc cấp tính như viêm xương chũm, liệt dây thần kinh mặt; nếu điều trị không tốt sẽ gây nên tình trạng mạn tính kéo dài.

Phòng bệnh bằng cách giữ gìn vệ sinh thật tốt, tuyệt đối không xì mũi bằng cả hai mũi tránh dịch tràn vào vòi nhĩ lên tai; không bơi lội khi có viêm xoang, viêm mũi, và cần điều trị sớm. cắt hay nạo VA cho trẻ có tái diễn thường xuyên viêm tai. Những trẻ có sởi hay thương hàn phải khám tai thường xuyên.

Đông Y Thiện Tri Thức tổng hợp

Bài viết liên quan