VÔNG NEM

  • Tên khoa học: Erythrina variegate L, họ Đậu (Fabaceae) còn gọi là Hải đồng – Thích đồng (TQ).
     
  • Bộ phận dùng: Lá vông nem (Folium Erythrinae variegatae) đã được chế biến khô gọi là Hải hồng diệp. và Vỏ thân vông nem (Cotex Erythrinae) phơi khô, gọi là Hải đồng bì.
     
  • Mô tả cây: Cây vông nem là một cây cao lớn 10 – 20m, thân có gai ngắn, vỏ mỏng. Lá mọc so le, vòng quanh thân, lá kép có 3 lá chét, hình trứng rộng, mép nhẵn, dài 10 – 15cm. Hoa mọc thành chum, hoa hình bướm màu đỏ thắm, nở khoảng tháng 4, trước khi cây ra lá. Quả loại đậu, trong đó có 1 – 8 hạt, hình tròn màu đỏ sẫm. Cây vông nem mọc hoang và được trồng ở khắp nơi trong nước ta, trồng bằng đoạn thân già làm bờ rào. Ngoài ra còn một số loại vông chưa chính thức dùng làm thuốc như Vông đồng (Erythriana fusca Lour); Vông hạt lá Erythrina subumbrans (Hassk) Merr; Erythrina stricta Roxb.


     
  • Thu hái và chế biến:
     
    • Lá vông nem: thu hái vào tháng 4 – 5. Khi trời khô ráo, hái lá bánh tẻ, không bị sâu, cắt bỏ cuống lá, đem phơi thật nhanh rồi hong phơi trong râm, chỗ thoáng gió cho khô mà vẫn giữ màu xanh rồi xếp gọn lại vào sọt, tránh làm vụn nát. Loại lá vông nem khô, màu xanh lục xám, sạch, không mốcm vụn là tốt.
       
    • Vỏ cây vông nem: thu hái vào tháng 5, bóc vỏ cây có gai cắt thành mảnh dài độ 60cm, rộng độ 30cm, đem phơi khô. Loại vỏ có gai là tốt, vỏ cây già thì gai gẫy rụng là kém.
       
  • Công dụng: Theo Đông y:
     
    • Lá vông nem vị đắng tính bình, không độc vào 2 kinh Tâm và Can. Có tác dụng an thần, gây ngủ, bổ máu, lọc máu. Dùng chữa các chứng bệnh mất ngủ, khó ngủ, máu xấu.
       
      • Liều dùng: 5 – 10g, hãm hay sắc uống. Ngoài ra còn dùng chế thành phẩm cao lạc tiên.
         
    • Vỏ vông nem vị đắng, tính bình, vào 2 kinh Can, Thận. Có tác dụng trừ phong thấp, thông kinh lạc, sát khuẩn. Dùng chữa các chứng bệnh: lưng đau, gối mỏi, tê thấp sâu răng, đau bụng, xích bạch lỵ.
       
      • Liều dùng: 5 – 10g, sắc uống hoặc tán thành bột uống, có thể ngâm rượu uống. Dùng ngoài da chữa ghẻ ngứa.
         
    • Lưu ý: Người không phải chứng phong hàn tả thấp không được dùng.
       
  • Bài thuốc chữa chứng chân tay co quắp: Hải đồng bì 8g; Thục địa hoàng 8g; Mẫu đơn bì 6g; Sơm thù du 4g; Bổ cốt chỉ 4g. Tán bột, cho thêm ít hành ta (thông bạch) sắc uống.
     
  • Bảo quản nơi khô ráo, thoáng gió, tránh ẩm ướt hoặc làm vụn lá.

Bài viết có tính tham khảo không thay thế cho sự khám và điều trị của thày thuốc.

Đông y Thiện Tri Thức tổng hợp.

Bài viết liên quan