BỆNH LOÃNG XƯƠNG - THIẾU CANXI

1. Khái niệm:

Loãng xương là tình trạng giảm trọng lượng xương đi cùng với sự thay đổi cấu trúc xương, dẫn đến tăng tính dễ gãy của xương và nguy cơ gãy xương. Như vậy không phải là gẫy xương mới được coi là loãng xương mà ngay khi tưởng như bình thường chúng ta vẫn hoàn toàn có thể đã bị loãng xương.

Ở nam giới lượng xương giảm dần một cách đều đặn, gần 27% trong khoảng thời gian từ 20 tuổi đến 80 tuổi trong khi nữ giới thường mất nhiều hơn – khoảng 40% - trong cùng khoảng thời gian nhưng tăng nhanh việc mất xương đặc biệt sau thời kỳ mãn kinh. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường, do vậy ở tuổi 60 có độ xương loãng hơn 20 không có nghĩa người đó loãng xương.

Như vậy, được coi như là loãng xương khi sự thưa xương trở nên quá mức, khiến bộ xương không chịu nổi sức ép cơ học vốn có mà nó phải chịu. Mất xương chủ yếu xảy ra tại các xương xốp dễ gây lún đốt sống, làm mỏng xương là nguy cơ gây gãy xương.

Độ loãng xương theo tuổi là do giảm hoạt động của cốt bào dẫn đến giảm sự tạo xương, giảm hấp thu Canxi ở cả hai giới.

Ngoài ra có một cố yếu tố khác tham gia làm tăng tình trạng loãng xương như: yếu tố cơ học, bất động kéo dài trong một số điều kiện; yếu tố di truyền; chuyển hóa, hormone; do sử dụng thuốc có chứa corticoid và chứa heparin kéo dài; tình trạng uống rượu nhiều, hút thuốc lá, thiếu vitamin D…

2. Nguyên nhân:

Có hai dạng nguyên nhân là loãng xương nguyên phát và thứ phát.

  • Loãng xương nguyên phát: là mức độ nặng của tình trang thiểu sản xương sinh lý do quá trình già hóa các tế bào sinh xương tạo ra. Thông thường tình trạng này xảy ra khi tuổi cao, khi trọng lượng xương giảm trên 30% thì có dấu hiệu lâm sàng.
  • Loãng xương thứ phát: xuất hiện ở mọi lứa tuổi, là hậu quả của nhiều nguyên nhân: bất động quá lâu do bệnh, do nghề nghiệp; do các bệnh nội tiết; do các bệnh thận; do thuốc.
     

3. Triệu chứng:

Triệu chứng lâm sàng của tình trạng loãng xương xuât hiện khi xương giảm trên 30%. Xuất hiện chậm một cách tự nhiên hoặc sau một chấn thương:

  • Đau xương: thường do liên quan đến quá trình xẹp đốt sống hoặc gãy xương ngoiạ vi. Thông thường nếu chỉ đơn thuần loãng xương thì không gây đau nếu không có tổn thương.
  • Đau cột sống do xẹp các đốt sống: xuất hiện tự nhiên hoặc do có gắng sức gây đau và chấn thương nhỏ. Đau giảm rõ rêt khi được nghỉ ngơi và nằm, giảm dần và hết sau vài tuần. Đau xuất hiện lại khi có đốt sống mới bị xẹp hoặc đốt ban đầu bị xẹp nặng hơn.
  • Đau do rối loạn tư thế cột sống: các rối loạn này làm bệnh nhân giảm chiều cao, có thể gù, các xương sườn cọ sát vào cánh chậu.
  • Gãy xương: thường gãy tại các vị trí xương đùi, xương cánh tay, cẳng tay, xương sườn, xương chậu, và xương cùng.
  • Hội chứng kích thích thần kinh: có thể đau dây thần kinh hông, hoặc dây thần kinh liên sườn lan ra phía sau bụng.
  • Khi thăm khám: biến dạng đường cong cột sống như gù vùng lưng hoặc quá ưỡn, chiều cao cơ thể giảm đi; có thể xuất hiện cứng vùng lưng, co cơ cạnh cột sống, không làm được các động tác cúi, ngửa nghiêng, gõ hoặc ấn vào các gai sau của đốt sống thắt lưng thấy đau tăng hoặc lan tỏa.; những người có béo, tăng huyết áp và rối loạn nội tiết cũng thường có khả năng bị loãng xương.

4. Phòng bệnh và điều trị

Điều trị loãng xương cần có ý kiến chuyên gia xương khớp đảm bảo tính chính xác, các bạn cần kiểm tra sức khỏe xương trước khi có bất kỳ can thiệp nào tránh làm tăng nặng tình trạng bệnh.

Dự phòng loãng xương là biện pháp cần thiết với người chưa có dấu hiệu loãng xương:

  • Thực hiện lối sống lành mạnh như tăng cường hoạt động thể dục và hoạt động thể lực; không sử dụng thuốc lá và uống rượu.
  • Chế độ ăn nên giàu canxi tự nhiên ngay khi còn nhỏ; bổ sung canxi và các vitamin phù hợp.
  • Có thể dùng một số thuốc nội tiết theo hướng dẫn của chuyên khoa xương khi cần thiết ở phụ nữ sau mãn kinh và nam giới trên 60 tuổi.  

Đông y Thiện Tri Thức tổng hợp.

Bài viết liên quan