SUY THẬN CẤP – DẤU HIỆU VÀ TRIỆU CHỨNG
Suy thận cấp là một trong những căn bệnh gây nhiều hệ lụy không chỉ đối với bản thân người bệnh mà còn đối với xã hội.
Người được coi là bị suy thận cấp là một hội chứng xuất hiện khi chức năng lọc của thận bị suy giảm nhanh chóng do nhiều nguyên nhân cấp tính dẫn đến mức lọc cầu thận có thể bị giảm sút hoàn toàn. Bệnh nhân sẽ vô niệu – urê máu tăng dần, tỷ lệ tử vong rất cao nhưng nếu xử lý kịp thời và chính xác bệnh nhân có thể trở lại cuộc sống bình thường. Chức năng thận có thể được phục hồi gần hoàn toàn thậm chí trở lại hoàn toàn bình thường.
Đối với những trường hợp nếu có suy thận mạn, chức năng thận suy giảm từ từ, tương ứng với những tổn thương giải phẫu không thể phục hồi, mức lọc cầu thận giảm dần rồi tiến tới giảm hoàn toàn, nhanh hay chậm tùy từng trường hợp.
Nguyên nhân gây suy thận cấp được chia chủ yếu làm 3 dạng:
- Suy thận cấp trước thận: còn gọi là suy thận cấp chức năng do giảm thể tích tuần hoàn, tụt huyết áp; dạng này chiếm khoảng 75% các ca suy thận thường do nguyên nhân bỏng, mất nước, mất máu; những bệnh nhân có suy tim, nhồi máu cơ tim cấp; nhiễm trùng huyết và sốc nặng.
Suy thận ở dạng này thường thấy có tụt huyết áp, mạch nhanh, nhỏ, đầu chi lạnh, mắt trũng, mặt hốc hác. Lượng natri niệu thấp, kali niệu coa hơn natri, thẩm thấu và tỷ trọng nước tiểu cao. Nếu không cấp cứu kịp thời sẽ chuyển thanh suy thận cấp co hoại tử ống thận cấp (sau 72h).
- Suy thận có nguyên nhân tại thận còn gọi là suy thận cấp thực tổn: chiếm khoảng 20% các ca bệnh do nguyên nhân tại cầu thận, ống thận, mạch thận… trong các bệnh như miễn dịch, bệnh hệ thống, đái tháo đường, nhiễm độc, thiếu máu do phẫu thuật, sử dụng các thuốc ức chế men chuyển; các bệnh nhồi máu thận, viêm tắc mạch thận, tăng huyết áp, viêm thận bể thận, sốt rét…
- Suy thận cấp có nguyên nhân sau thận tức suy thận cơ giới: chiếm khoảng 5% các ca suy thận như chít hẹp đường dẫn niệu trong các bệnh viêm tuyến tiền liệt, u buồng trứng; nhiễm độc thận trong bệnh lắng đọng urat (gout, độc tế bào).
Suy thận cấp do nhiều nguyên nhân, chủ yếu do có các yếu tố gây giảm chức năng thận như:
- Giảm lượng máu đến cầu thận.
- Giảm tính thấm đáy mao mạch cầu thận.
- Màng ống thận bị hủy hoại làm khuếch tán trở lại của dịch lọc cầu thận khi đi qua ống thận.
- Tắc ống thận do xác tế bào do sắc tố hoặc sản phẩm của protein.
- Tăng áp lực tổ chức kẽ thận do phù nề.
Biểu hiện: Khi có suy thận cấp nếu không điều trị thường diễn ra qua 3 giai đoạn:
- Giai đoạn đái ít, vô niệu: vô niệu có thể xuất hiện từ từ hoặc đột ngột; lượng urê, creatinin và acid uric máu tăng. Nếu nồng độ urê và creatinin máu tăng quá cao sẽ xuất hiện hội chứng urê máu cao trên lâm sàng: khó thở, buồn nôn, nôn, tiêu chảy có thể hôn mê.
Có rối loạn cân bằng điện giải và nước: phù, lượng K+ tăng, lượng Na+ Ca+ trong máu bình thường hoặc giảm. Ngoài ra còn có toan máu chuyển hóa do tăng huyết áp mức độ vừa, nước tiểu có hồng cầu, bạch cầu trụ hạt…
- Giai đoạn đái trở lại (đái nhiều): lượng nước tiểu tăng dần trên 2 lít/ngày có khi trên 4- 5 lít/ngày kéo dài khoảng từ 5 đến 10 ngày. Nguy cơ chính giai đoạn này chủ yếu là do mất nước, mất điện giải.
- Giai đoạn phục hồi: Khối lượng nước tiểu dần về biình thường, biểu hiện lâm sàng tốt lên, các rối loạn sinh hóa dần ổn định. Giai đoạn này phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà nhanh hay chậm từ 6 tháng đến 1 năm.
Xử trí: Do không có thuốc đặc trị suy thận cấp nên mục tiêu điều trị ở đây là loại bỏ nguyên nhân, duy trì sự sống của bệnh nhân đến khi chức năng thận tự phục hồi.
Mục tiêu quan trọng trong điều trị ngay trước khi việc suy thận có tổn thương thực thể: truyền dịch hoặc máu ngay khi bệnh nhân có mất nước, mất máu, nâng nhanh huyết áp tránh để tụt huyết áp, huyết áp tối đa xuống dưới 80mmHg kéo dài quá 72h, sẽ dẫn đến nguy cơ tổn thương thực thể. Việc bù dịch cần được tính toán cho phù hợp không để quá nhiều. Đối với những trường hợp đặc hiệu cần có chế độ điều trị thích hợp, mổ lấy sỏi nếu có và cần thiết. tuân thủ chế độ ăn phù hợp với tình trạng bệnh.
- Xử trí giai đoạn đái ít, vô niệu phải đảm bảo: giữ cân bằng nội môi; không để tăng Kali máu; hạn chế tăng Nitơ phi protein.
- Với nước: cần tính toán cân bằng lượng dịch.
- Cân bằng điện giải và toan máu.
- Đảm bảo dinh dưỡng phù hợp: hạn chế lượng protein để giảm urê máu, hạn chế kali do thức ăn đưa vào; đảm bảo đủ lượng vitamin cần thiết.
- Dùng lợi tiểu với liều phù hợp nếu huyết áp tối đa trên 80mmHg, không dùng thuốc có hại cho thận, tranh trụy mạch do mất nước.
- Chống nhiễm khuẩn.
- Lọc máu nếu lượng urẻ quá 200mg/dl hoặc 30mmol/l trở lên, càng tăng nhanh càng phải lọc sớm hoặc khi lượng kali máu tăng quá 6,0mmol/l.
- Trong giai đoạn có đái trở lại:
- Tiếp tục hạn chế protein và kali trong thức ăn.
- Truyền dịch hoặc uống tranh mất nước. chỉ tăng protein khi lượng urê ở ngưỡng an toàn.
- Chỉ dùng trái cây khi lượng kali an toàn
- Tiếp tục lọc máu nếu cần.
- Khi bệnh nhân bước vào giai đoạn chuẩn bị hồi phục có thể tăng dần lượng protein trong khẩu phần ăn.
- Trong gia đoạn hồi phục sức khỏe: đảm bảo lượng dinh dưỡng phù hợp cho giai đoạn này sau thời gian điều trị; trong quá trình điều trị nếu bệnh nhân nằm lâu cần chú ý chế độ phòng chống loét ép…
Suy thận là một hội chứng nặng nhưng có thể hồi phục và khỏi hoàn toàn, người bệnh cần được phát hiện và xử trí sớm trước khi có tổn thương thực thể xảy ra. Tùy từng giai đoạn mà có xử trí phù hợp từ đơn giản đến phức tạp thậm chí phải lọc máu nếu cần. Bệnh nhân sau khi được chẩn đoán và điều trị cần tuân thủ nghiêm ngặt chế độ điều trị và dinh dưỡng theo khuyến cáo.
Đông y Thiện Tri Thức tổng hợp