TƯ TƯỞNG CỦA LÃO TRANG VỚI Y HỌC CỔ TRUYỀN P2
Nền y học cổ truyền Phương Đông là nền y học có tuổi đời lâu dài, có những kiến thức vượt thời gian và không gian, chứa đựng trong nó những giá trị nhân văn sâu sắc có phần có thể dễ nhìn thấy nhưng phần lớn hàm chứa và kết tinh những giá trị nội hàm sâu thẳm không lường hết được.
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một vài trích dẫn trong quyển sách “Tư tưởng Lão trang với y học cổ truyền” của Trần Văn Tích; với kiến thức văn hóa và y học vững chắc, cách viết văn uyển chuyển gần gũi tác gải giúp chúng ta có cái nhìn phong phú thêm, đầy đủ hơn về y học cổ truyền cũng như sự đặc biệt của nền y học cổ truyền Phương Đông trong đó có Việt nam.
ĐIỀU DƯỠNG NHIẾP SINH
Vốn là mái chèo chuyển tải hệ thống lý luận căn bản của y lý phương Đông, triết thuyết lão Trang chi phối nặng và sâu mọi lĩnh vực ứng dụng hệ thống lý luận ấy. Như trong phạm vi điều dưỡng và nhiếp sinh.
Đạo học chủ xướng con người muốn khỏe mạnh nên sống hài hòa với thiên nhiên. Nhân thể và vũ trụ cần hòa tấu cùng một tiết điệu, cần chia sẻ cùng một tiến trình năng lượng. Về mùa xuân hay lúc rạng sáng là lúc khí lực bắt đầu xuất sinh, khí đạt đến mức tối đa lúc mùa hạ hay lúc trưa, khí thu vén lại lúc tiết trời vào thu hay khi xế chiều, khí ẩn một vào mùa đông hay trong bóng đêm.
Bởi khí của tiểu trường vượng vào giờ mùi cho (11h – 13h) nên sống hợp với tự nhiên là ăn bữa chính lúc đúng ngọ giúp bộ máy tiêu hóa hấp thu dễ dàng hơn. Cũng tương tự như vậy, đại tiện lúc sáng sớm là hợp lẽ tự nhiên vì khí của đại trường vượng vào giờ mão (5-7h sáng). Tiết điệu sinh hoạt ấy dẫu có thay đổi phần nào thì cũng không đáng kể, nếu ăn uống vào giờ khác không thích nghi, quả tim phải oằn mình gánh vác một công việc năng nhọc vào lúc tâm khí suy giảm thì sẽ có những hỗn loạn mang đến. Do vậy, những tập quán vừa nêu chẳng phải là do ngẫu nhiên mà thành mà đã từ nhiều thế kỷ nay rồi, Đông y đã thấu triệt vòng tròn đặt mốc và chỉ lối trên con đường sinh sống của vạn vật.
Trong thời đại ngày nay, do ảnh hưởng của nền văn minh cơ khí đã bị loài người sử dụng lệch lạc, nhân loại đã mắc phải những bệnh gọi là nền bệnh của nền văn minh. Sự chống đối, xung khắc giữa xã hội và cá nhân đôi khi quá gắt gao, bức bách gây nên những bệnh thần kinh…lão học khuyên con người sống thoải mái, tự nhiên, có công dụng an ủi, khiến giảm thiểu tình trạng căng thẳng thần kinh mà trở về con người thực của mình: “kiến tổ, bảo phác, thiểu tư, quả dục” – tỏ lòng thành, giữ tính chất phác, ít riêng tư, ít mê đắm.
Hơn thế nữa ảnh hưởng của Lão Trang còn định hướng Đông y theo hướng vô cùng độc đáo: y lý cổ truyền phương Đông là một nền y học chủ yếu dự phòng. Hơn thế nữa, do sự liên hệ mật thiết giữa giới thuật sĩ và y học phòng ngừa chặt chẽ, có nguồn gốc huyền môn nên quan niệm dự phòng mang nhiều nét rất đặc thù. Ví dụ như phép vận khí là môn học phối hợp thiên văn, khí tượng, chiêm tinh với y khoa, chuyên nghiên cứu khí hậu với sinh vật, đặc biệt là với nhân thể nhằm mục đích nẵm vững quy luật tự nhiên, xét đoán sự thay đổi của khí hậu hàng năm và tình hình phát bệnh để đặt vấn đề phòng ngừa và chẩn trị chính xác.
Như vậy, cái to lớn của người y sỹ lý tưởng là làm sao chạy đua nhanh hơn bệnh tậ, giúp bệnh nhân ngăn chặn được các bất thường bệnh lý trước khi chúng hiển lộ, giống như bậc thánh trị nước: ngăn ngừa khi chưa có, sửa trị lúc chưa loạn. Cho nên bậc Thượng công – người thày thuốc giỏi – “…thấy Can mắc bệnh” thì biết “Can sẽ phạm đến Tỳ”, “ nên lo bổ tỳ ngay…” do vậy, Đông y thường chủ xướng lúc ở nhà cũng như đi xa nên có một túi thuốc cấp cứu, sẵn sàng sử dụng những lúc hữu sự.
…Như vậy, tiêu chuẩn để xếp hàng giới y sĩ là tiêu chuẩn phòng bệnh hơn chữa bệnh: áp dụng được đùng như quy luật về vệ sinh điều dưỡng chữa bệnh từ khi bệnh chưa xuất hiện là tài nghệ của bậc Thượng công, bậc đại phu, bậc lương y.
Do nơi quan điểm sống chỉ cần cho hợp lẽ tự nhiên là thân thể cường tráng, tinh thần minh mẫn nên người lương y theo triết học Lão Trang đặt nặng vấn đề ăn uống, coi việc dùng thức ăn phòng và chữa bệnh mới là thượng sách còn phải dùng đến thuốc thì chỉ là trung sách mà thôi. Do vậy, có lẽ ít nền y học nào lại thừa hưởng một di sản thư tịch ẩm thực phong phú như Đông y cũng như phát triển sách vở về ăn uống lên hàng kinh kệ: Thực kinh, dưỡng sinh kinh…
Lão học chủ xướng ăn uống điều độ là một khía cách dưỡng sinh quan trọng và đôi khi còn phải làm mạnh hơn: chay tịnh, tẩy uế thân xác và tâm hồn. Cho nên có cùng một gốc với ăn uống là tắm gội – vệ sinh thân thể là cực kỳ cẩn thận.
Ngoài ra, vận động và các hoạt động thân tâm được đề cập vô cùng cẩn trọng đặc biệt phương pháp khí công, đúng theo tinh thần của Lão trang. Sách có đoạn viết: Đạo nhiếp sinh đặt căn bản trên một tình trạng :tinh thần sung túc, nhi bất ngoại tán” – Tinh thần đầy đủ mà không bị ngoại cản phân tán. Vì nhận thấy rằng Tinh thần và vật chất bắt buộc phải nương nhau để cùng tồn tại, như Quí và Tiện, Cao và Hạ phải dựa vào nhau cho nên khí công không coi nhẹ thể chất cũng không không độc tôn tinh thần mà nhắm vào tinh luyện và bồi bổ cả hai. Thứ nữa, nền móng của Đạo là vô vi, là điềm đạm hư vô cho nên nguyên tắc thứ hai của khí công là luyện tập phải biếtthuận theo tự nhiên, không cưỡng lại các quy luật của tạo hóa. Ngoài ra, nguyên tắc nữa cần phải đảm bảo là lấy sự mềm dẻo làm yếu quyết hướng đạo cho thể dục y khoa, chính sự mềm dẻo, uyển chuyển mới có khả năng giúp thể chất và tâm hồn cùng phát triển điều hòa.
Như vậy, người tinh thông phép nhiếp sinh, biết tự mình điều dưỡng cơ thể theo một số nguyên tắc, kỹ thuật mà Đông y đã quy định rành rẽ và liên tục tu chỉnh trong các y thư, thực kinh và bản thảo, thì không sao chết được – cái chết ở đây không phải là cái chết của xác thân mà là cái chết của tinh thần. Kẻ đã đưa được bản tính của chính mình hòa đồng với bản thể của Đạo thì làm sao mà chết được: “Cái văn thiện nhiếp sinh giả” thì “vô tử địa”…
Căn bản triết lý của y học Đông phương là một hình cánh quạt mà trung tâm là lão học. Qua lão học,y học của tiền nhân chúng ta đã gặ hái một vụ mùa thật là phong đăng hòa cốc. lão học đã đóng góp trọn vai trò cung của nó trong vĩ nghiệp nuôi cái trứng y thuật Đông phương.
Chúng tôi hy vọng với những trích dẫn cơ bản trên sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn đầy đủ về y học cổ truyền, và hy vọng rằng các bạn quan tâm có thể tìm đọc quyển sách rất thú vị này.