NHỮNG PHƯƠNG THUỐC HAY – CHỮA BỆNH BẰNG HOA NHÀI

 

Hoa Nhài (Jasminumsambac Ait), dân gian gọi là nhài kép, có nơi gọi là lài, và để phân biệt với lài tây thêm tên là hoa nhài ta. Hoa nhài còn có tên gọi khác như Tiểu nam cường; nại hoa; Man hoa; Mộc lê hoa; Mạt lợi; Một lợi; Mạt lỵ… Hoa nhài đẹp ở kết cấu và màu trắng tinh khiết, quý ở hương thơm ngát, nồng nàn, lan tỏa rất xa và dược chất quý tàng trữ trong hoa. Hoa nhài thuộc họ Nhài (Oleaceae) cây nhỏ, thân mảnh, được trồng nhiều ở nước ta để lây hoa ướp trà, làm thơm món ăn, thức uống, làm vị thuốc; cả lá và rễ của nhài đều dùng làm vị thuốc được.

Sách “Bản thảo tái tân” chép: hoa nhài vị ngọt cay, tính nóng, không độc, có thể trừ hỏa, khử hàn tích, trị nhọt độc, tiêu ung bướu.
Sách ‘Tùy tức cư ẩm thực phổ” chép rằng: hoa nhài vị cay ngọt, tính ấm, chủ về hạ khí, làm hòa dịu bên trong, trừ uế trược, trị đi lỵ đau bụng.
Sách “Ẩm phiến tâm tham” chép: Hoa nhài vị đắng hơi pha ngọt, chủ làm bình hòa gan, giải kết uất, điều hòa chân khí, làm hết đau.

Theo sách Cương mục Thập di, nước cất hoa nhài vị nhạt, chủ về giải trừ nghịch khí trong bụng…nhưng không dùng được lâu dài nếu không sẽ gây ra chứng chảy nước mũi sền sệt – não lậu.
Ngoài ra sách Trung Quốc Dược thực đồ giám ghi Nước cất hoa nhài có thể làm mạnh tỳ, điều hòa chân khí;
Bách hoa trị bách bệnh cho ghi: Nước cất hoa nhài có thể làm tươi nhuận da thịt.

Về lá cây nhài, sách “Quảng Châu Bộ đội thường dụng Trung hoa Dược thủ sách” cho rằng: lá hoa nhài vị cay, tính mát, chủ về thanh nhiệt, giải biểu, trị ngoại cảm phát sốt, đầy bụng tiêu chảy. Liều lượng khoảng 1 đén 2 tiền, nấu mà uống.

Về rễ cây nhài, sách trung Dược Đại từ Điển cho rằng: rễ cây nhài vị đắng, tính ấm, có độc chủ trị té ngã chấn thương gân xương, siết ăn răng, đau nhức đỉnh đầu mất ngủ.
Sách Bản thảo hội biên có ghi: Lấy 1 tấc rễ cây nhài mài rượu uống tất hôn mê 1 ngày mới tỉnh, 2 tấc hôn mê 2 ngày, 3 tấc hôn mê 3 ngày.
Phàm bị ngã đốt xương gãy rời, dùng rễ cây nhài giã nát đắp để nối xương, nạn nhân không thấy đau.
Sách Hiện đại thực dụng trung dược cho rằng Rễ cây nhài có tác dụng ma túy, gây mê.

TRỊ LIỆU

  1. Chữa viêm kết mạc:

Hoa nhài tươi 5g, cho đủ nước dùng nấu sôi kỹ để nguội, lọc lấy nước bỏ bã, dùng bong sạch thấm nước này thường xuyên rửa mắt rất tốt

(Sách Hiện đại thực dụng Trung dược)

  1. Chữa chứng đau trong tai:

Hoa nhài tươi 10g, dầu cải đủ dùng. Cho hoa nhài vào dầu cải ngâm trọng 1 tuần, dùng dầu này nhỏ vào tai, mối lần 3 giọt, ngày nhỏ 3 lần.

(Sách Tứ Xuyên Trung Dược chí).

  1. Chữa biếng ăn:
  • Phương 1: Dùng nước cất hoa nhài 20 ml, hòa với 1 lượng nước sôi để nguội tương ứng, uống ngày 2 lần.
  • Phương 2: Hoa nhài 5g, hoa đậu ván 30g, gạo tẻ 50g. Gạo tẻ vo kỹ nấu thành cháo, khi chao chín cho hoa nhài và hoa đậu vào nấu thật sôi kỹ để cháo ấm ăn hết trong 1 lần.

(Bách hoa trị bách bệnh)

  1. Chữa chứng đau tức ở Gan, dạ dày

Hoa nhài 5g; đinh hương 3g, hoàng tửu 50ml. Cho hoa nhài và đinh hương vào hoàng tửu nấu cách thủy cho chín nhừ để còn âm ấm gạn nước uống bỏ bã.

(Bách hoa trị bách bệnh)

  1. Chữa chứng lỵ
  • Phương 1: Hoa nhài 10g; rượu tốt 50 đến 100ml. Cho hoa nhài vào rượu nấu cách thủy tới chín nhừ để nguội ấm thì uống nước ấy.
  • Phương 2: Hoa nhài, hoa dâm bụt trắng (bạch cẩn) mỗi thứ 5g; gạo tẻ vo kỹ nấu cháo, khi cháo chín cho hai loại hoa này vào nấu thêm cho đến khi hoa chín nhừ, thêm chút đường, đợi còn ấm thì ăn.

(Bách hoa trị bách bệnh)

  1. Chữa chứng “Mai hạch khí”: trong họng bị vướng như ngậm hạt mơ, khạc không ra, nuốt không xuống rất khó chịu là do mừng giận quá độ sinh ra, nhiệt khí nung nấu, tích tụ lại và có đờm độc uất kết mà thành. Dùng thuốc sau:
  • Phương 1: Hoa nhài 5g, trà xanh 100g. Trộn đều hoa nhài và trà xanh để trở thành 1 thứ trà hoa nhài, hãm trà này uống thường xuyên, rất hay.
  • Phương 2: Hoa nhài 5g, quất khô 10g, gạo tẻ 100g. Gạo tẻ vo kỹ nấu cháo, khi cháo sôi già, nghiền nát trái quất khô cho vào nồi cháo, nấu đến khi quất chín nhừ thì vò hoa nhài bỏ vào, đợi cháo nguội ấm thì dùng. (nếu không có quất khô, dùng mứt quất với lượng gấp đôi cũng được).

(Bách hoa trị bách bệnh)

Ngoài ra còn một số cách chữa đơn giản khác như:

  • Chữa đau buôt đỉnh đầu: Rễ cây nhài, rễ cây tảo hưu – bảy lá 1 hoa. Phân lượng bằng nhau, vừa đủ dùng, giã nát đắp lên chỗ đau. Trước khi đắp có thể lấy kim châm nhẹ lên vùng đầu càng mau có hiệu quả.
  • Chữa chứng mất ngủ: Rễ cây hoa nhài 3 đến 5 phân (1 phân khoảng 0,375g) mài trong nước, uống rất kiến hiệu.

(Trung Dược Đại từ điển)

  • Chữa Gân, xương bị chấn thương nặng gây đau nhức: nếu ngã hay chân thương gân, xương gây đau nhức, dùng 1 lượng rễ cây hoa nhài thích hợp, giã nát thành sợi, tẩm rượu sao lên bó vào vết thương. Rất hay.

(Tứ xuyên Trung Dược Chí)

  • Trẻ em lên sở, sốt nhiều, sởi mọc không đều: Lá nhài tươi 10 đến 20g sao vàng hạ thổ (8 – 10g là nhài khô), nước 300ml sắc còn 100ml, chia làm 2 -3 lầm uống trong ngày.

    Nguồn: Đông Y Thiện Tri Thức tổng hợp.

Bài viết liên quan