CÁC PHƯƠNG THUỐC BỔ ÍCH – PHẦN 7

Thuốc bổ ích còn gọi tắt là thuốc bổ là phương pháp chữa “ bổ cái hư” và “ích cải tổn” là một trong những phương pháp chữa bệnh.

Thuốc này có tác dụng bổ sung những gì không đủ về âm dương, khí huyết, âm tinh, tân dịch, điều chỉnh hoặc cải thiện một vài chức năng sinh lý bị suy thoái qua phương pháp phù trợ chính khí để khử trừ tà bệnh. Thuốc bổ không phải là linh dược vạn ứng để có bệnh thì chữa – không bệnh thì cường thân – Các loại thuốc đều theo chỉ chứng lâm sàng mà có phạm vi thích ứng nhất định.

Chúng tôi xin giới thiệu một số phương thuốc bổ ích khí được tổng hợp từ nhiều nguồn giúp bạn đọc có thêm tài liệu nghiên cứu và tham khảo (tiếp)

  1. MẠCH MÔN ĐÔNG THANG – Phụ Dưỡng vị thang – Kim quỹ yếu lược

Mạch môn đông

20 g

Cam thảo

4 g

Bán hạ

36 g

Gạo sống

20 g

Nhân sâm (có thể dùng sa sâm)

12 g

Đại táo

5 quả

  • Cách dùng: Ngày dùng 1 thang, đun sắc chia 2 lần uống trong ngày.
  • Tác dụng: Tư dưỡng vị tân, giáng nghịch hạ khí. Chữa các chứng bệnh phế ị âm thương, hỏa khí thượng nghịch ho nôn ra giãi, cổ họng khô táo, miệng khát, lưỡi gia hồng, mạch hư sác.
  • Giải: Bài này dùng nhiều Mạch môn sinh tân nhuận táo là vị thuốc chủ yếu tư dưỡng phế vị âm dịch, Nhân sâm, Cam thảo, gạo sống, Đại táo bổ dưỡng tỳ vị làm cho hóa nguyên sung túc thì tân dịch tự lên được phế khiến phế được nuôi dưỡng. bán hạ giáng nghịch hạ khí, dùng chung với các vị  khác thì hòa vị hóa đàm mà không bị táo, nó có tác dụng tương phụ tương thành. Bài này là phương thuốc chủ yếu là tư dưỡng phế vị tân dịch, phàm phế vị âm thương tổn, ho khan họng táo, hỏa khí thượng nghịch rạo rực nôn mửa, nấc đều có thể gia giảm ứng dụng.
  • Phụ phương:
    • Dưỡng vị thang: Gồm các vị Sa sâm, mạch môn, Ngọc trúc, Biển đậu sống, lá dâu, Cam thảo. Đặc điểm bài này là trong thuốc thanh dưỡng sinh tân gia thêm Biển đậu để kiện tỳ vị nên tác dụng dưỡng vị âm của nó mạnh. Dùng để chữa chứng dưỡng âm bất túc, miệng lưỡi khô táo, rêu ít hoặc không rêu, ăn uống giảm sút, đại tiện can táo. Lúc ứng dụng lâm sàng có thể gia thêm Thạch hộc, Sinh cốc nha.
  1. SINH MẠCH TÁN.
  • Gồm các vị Nhân sâm 4 – 12g; Ngũ vị 4 – 12g; Mạch môn 16g.
  • Cách dùng: Ngày dùng 1 thang, đun sắc uống.
  • Tác dụng: chữa nhiệt thương nguyên khí, âm khí suy vi, ra mồ hôi nhiều miệng khát, thở gấp muốn thoát, mạch nhỏ nhẹ muốn tuyệt, lưỡi khô hồng mà vô tân hoặc ho lâu phế hư, ho ít đờm khí đoản, tự ra mồ hôi, miệng khô lưỡi táo, mạch tượng hư.
  • Giải: Bài này dùng Nhân sâm bổ ích nguyên khí, mạch môn dưỡng âm, Ngũ vị thu liễm phế khí bị hao tán và liễm âm chỉ hãn. 3 vị thuốc đó hợp lại, đại bổ khí âm, liễm hãn, sinh mạch có thể cấp cứu nguyên khí hao thương, hư thoát mà có nhiệt khác với Tứ nghịch thang, Sâm phụ thang cứu vong dương hư thoát.
  1. CHÍCH CAM THẢO THANG – Phụ Gia giảm phúc mạch thang – Thương hàn luận.

Chích cam thảo

12- 20 g

Đại táo

10 quả

Nhân sâm (hoặc Đảng sâm)

8 – 12 g

Gừng sống

3 – 5 lát

Quế chi

8 – 12 g

Sinh địa hoàng

16 – 20 g

A giao

8 – 12 g

Ma nhân

8 – 16 g

Mạch môn

8 – 12 g

 

 

  • Cách dùng: Ngày dùng 1 thang, bài thuốc cũ đun với rượu, nay chỉ đun với nước, chia làm 2 lần uống.
  • Tác dụng: Ích tâm khí, bổ tâm huyết, dưỡng tâm âm, thông tâm dương. Chữa chứng tim đập không đều, mạch sơ cứng.
  • Giải: bài này dùng Chích cam thảo, Nhân sâm để bổ ích tâm khí vì dùng nhiều cam thảo nên gọi là Chích cam thảo thang. A giao, Địa hoàng, Mạch môn, ma nhân bổ tâm huyết, dưỡng tâm âm để nuôi dưỡng huyết mạch, Quế chi, Gừng sống và rượu tân ôn xua tán, thông được tâm dương. Đặc điểm phối hợp với các vị thuốc là dựa vào nguyên lý theo nhu cầu âm huyết của người ta mà thúc đẩy dương khí, trọng điểm ở bổ tâm khí, thông tâm dương. Tâm dương thông tâm khí trở lại là tiền đề để tất yếu để mạch khỏi sơ cứng, lại phối hợp thêm thuốc bổ huyết tư âm để huyết sung đẩy mạch mà dương khí có chỗ dựa không xảy ra phù tán thì tim hồi hộp sẽ ngừng, mạch sơ cứng sẽ trở lại bình thường cho nên cũng gọi là Phục mạch thang. Vì vậy lúc ứng dụng lâm sàng phải chú ý đến mối quan hệ âm dương mà vận dụng cho linh hoạt.
  • Gia giảm: Thường gia táo nhân, tim đập mạng còn gia Từ thạch, Chu sa là thuốc an thần.
  • Phụ phương: Gia giảm phúc mạch thang: Gồm các vị Địa hoàng, a giao, mạch môn, bạch thược, ma nhân, Cam thảo. Để chữa các chứng sốt lâu thương tồn âm, tân dịch hao tổn hoặc sốt vài ngày không dứt, rêu lưỡi hồng sáng, miệng khô lưỡi táo, buông bực không yên, nếu tay chân lại run rẩy do hư phong gây nên thì phải gia thêm Mẫu lệ, Miết giáp, Quy bản.

Gia giảm phúc mạch thang bỏ đi Quế chi, Sinh khương, Nhân sâm, Đại táo là những vị thuốc ôn thông tâm dương, bổ ích tâm khí cho nên tác dụng của nó khác với bài Chích cam thảo thang, không dùng để thông dương phúc mạch mà dùng để tư âm dưỡng huyết.

Bài viết có tính tham khảo không thay thế cho sự khám và điều trị của thày thuốc.

Đông y Thiện Tri Thức tổng hợp

Bài viết liên quan