NHIỄM KHUẨN Ở TRẺ SƠ SINH
1. Tổng quan
Nhiễm khuẩn sơ sinh là tình trạng tổn thương viêm tại một hay nhiều cơ quan do nhiễm khuẩn ở thời kỳ sơ sinh. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng gây tử vong ở trẻ sơ sinh (chiếm từ 25 – 50% số trẻ nhiễm khuẩn).
2. Nguyên nhân:
Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn sơ sinh thường là đa dạng và phức tạp tùy thuộc vào vị trí và tính chất nhiễm khuẩn như nhiễm tu cầu vàng, phế cầu, trực khuẩn mủ xanh hoặc nhiễm nấm. Một số trường hợp nhiễm khuẩn ngược dòng, có thủy đậu, viêm gan, HIV…
Trong nhiễm khuẩn sơ sinh, những yếu tố thuận lợi luôn cần được chú ý do khả năng thúc đầy tình trạng mắc bệnh:
- Bị nhiễm khuẩn do mẹ nhiễm khuẩn huyết; hoặc qua màng ối do nhiễm trùng ối, thời gian vỡ ối dài trên 18h, cuộc đẻ có chuyển dạ kéo dài.
- Do tiếp xúc trực tiếp như trẻ không được chăm sóc tốt, vệ sinh kém như tay người chăm sóc, giường nằm không sạch; quá trình can thiệp thực hiện thủ thuật ; do nằm chung với trẻ khác có nhiễm khuẩn; trẻ non tháng, có suy hô hấp…
3. Triệu chứng:
Trên lâm sàng trẻ sơ sinh nhiễm khuẩn thường có ít triệu chứng và biểu hiện đặc biệt trẻ non tháng – thấp cân, dễ bị lẫn vào bệnh cảnh không nhiễm trùng, do vậy cần hỏi rõ ràng tiền sử sản khoa và gia đình.
- Biểu hiện toàn thân: có rối loạn thân nhiệt, sốt cũng có thể có hạ nhiệt độ hoặc nhiệt độ dao động; Da tái, tưới máu kém nên màu sắc da có thể tím tái nổi vân xanh; vẻ mặt nhiễm trùng nhiễm độc môi khô, hốc hác, sụt cân.
- Đánh giá về thần kinh của trẻ thấy có trương lực cơ giảm và vận động giảm, đôi khi có kích thích; có thể có co giật hoặc co cứng và phồng thóp nếu có viêm màng não.
- Hô hấp của trẻ thấy có thở rên, có thể có co rút lồng ngực, rối loạn nhịp thở, phổi ran ẩm hai bên nếu có viêm phổi. Tình trạng tím tái do thiếu ôxy.
- Trẻ có thể ăn kém, nôn chớ, chướng bụng, dịch dạ dày ứ đọng, tiêu chảy, gan lách to.
- Trẻ có thể có vô niệu và đôi khi tiểu ra máu.
- Nếu có nhiễm trùng rốn thì trẻ có biểu hiện sưng tấy đỏ, rốn có mủ hoặc có mùi hôi, mụn mủ tại da, viêm da lan tỏa.
Tình trạng bệnh phụ thuộc vào tình trạng của trẻ như cân nặng, ngày tuổi…Để chẩn đoán chính xác cần làm các xét nghiệm cận lâm sàng kết hợp với dấu hiệu bệnh.
Năm 2010, Hội nghị nhi khoa thế giới phân loại mức độ nặng của nhiễm khuẩn như sau:
- Nhiễm khuẩn có suy giảm chức năng tim mạch như có suy tuần hoàn…
- Nhiễm khuẩn có có suy hô hấp tiến triển.
- Nhiễm khuẩn có suy giảm chức năng của từ 2 cơ quan khác nhau trong cơ thể trở lên.
4. Điều trị và phòng bệnh:
Điều trị bệnh phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ gây bệnh, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, cần có sự tham vấn và hướng dẫn của thày thuốc sau thăm khám.
Để phòng chống nhiễm khuẩn sơ sinh ở trẻ cần có thái độ phù hợp ngay trước khi trẻ ra đời:
- Giáo dục ý thức vệ sinh và thái độ nuôi dưỡng trẻ bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu.
- Bỏ thói quen không tốt cho sức khỏe, không tắm quá lâu, nằm buồng quá tối ẩm thấp, kín gió nhưng lại bí bách khiến cho không đủ ôxy để thở, trẻ em thiếu sáng và tạo cơ hội cho nấm mốc phát triển.
- Thường xuyên khám thai định kỳ, đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ và vệ sinh.
- Tiêm dự phòng khangs sinh cho mẹ nhiễm liên cầu, tiêm phòng uốn ván cho mẹ trong thai kỳ đầy đủ.
- Sau khi trẻ ra đời cần rửa tay sạch trước khi tiếp xúc trẻ.
- Đảm bảo vệ sinh phòng sạch sẽ.
- Tắm gội hàng ngày cho trẻ, sát trùng để hở rốn đầy đủ.
- Những trường hợp có nguy cơ cao như mẹ vỡ ối lâu, nước ối bẩn, nhiễm khuẩn ối cần dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sỹ.
Đông y Thiện Tri Thức tổng hợp.