CÁC LOẠI QUẢ LÀM THỰC PHẨM – VỊ THUỐC – PHẦN 9

LONG NHÃN

Long nhãn cũng gọi là quế viên nhục, long mục…là quả của cây nhãn, tên khoa học là Dimocarpus longan, thuộc họ Bồ hòn (Sapindaceae). Tính ôn, vị ngọt. Thành phần chủ yếu là đường, sắt, phosphor, sắt, vitamin A, B, C. Trong hạt có chứa chất béo, tinh bột, saponin và tannin. Sản phẩm dưới dạng quả tươi, quả sấy khô hoặc phơi khô. Những quả to, cùi dày, vị ngọt đậm là loại tốt. Hạt nhãn cũng là vị thuốc.

Tác dụng: Tăng cường sức khỏe bồi bổ cơ thể, bổ máu an thần, ích tì khai vị, ích khí tráng dương. Chủ yếu dùng cho thiếu máu, yếu tim, mất ngủ, hay quên, suy nhược thần kinh, cơ thể mệt mỏi. Hạt dùng để ăn cầm máu, kín miệng vết thương, hóa thấp, định thống.

Kiêng kị: người vị nhiệt đờm, tim phổi nóng thì không dùng.

Cách dùng hỗ trợ điều trị một số bệnh:

Bổ tì khai vị, trợ thần kinh: Cùi nhãn không giới hạn ít nhiều, ngâm vào rượu trắng 100 ngày, mỗi ngày uống 1 – 2 chén nhỏ.

Đi tả do tì hư: Nhãn khô 14 quả, gừng tươi 3 lát. Sắc lấy nước uống, mỗi ngày 2 lần.

Buồn nôn: Nhãn khô 7 quả, đặt vào lửa đốt, tán thành bột. Chia làm 4 lần. mỗi ngày 2 lần, dùng nước cơm dẫn thuốc.

Suy nhược thần kinh: Cùi nhãn, nhân táo chua mỗi loại 9g; quả ké (Euryale ferox) 15g. Nấu canh dùng trước khi đi ngủ; Hoặc mỗi tối trước khi đi ngủ uống trà nhãn hoặc ăn 5 – 10 cùi nhãn.

Chóng mặt: Cùi nhãn 7 cái, hạt hạnh nhân 3 cái, đun lên uống, mỗi sáng uống 1 lần lúc đói.

Thiếu máu cơ thể suy nhược: Cùi nhãn 5 cái, hạt sen 15g, gạo nếp 30g. Nấu cháo ăn. Mỗi ngày vào buổi sáng và buổi chiều; Hoặc Cùi nhãn 9g, lạc nhân 15g (để cả vỏ lụa). Sắc lấy nước uống mỗi ngày 2 lần; Cùi nhãn 15g, hạt sen, hạt hạnh nhân, mỗi loại 60g. Tất cả nấu nhừ, ăn thường xuyên.

Phù thũng sau khi sinh: Nhãn khô 10 quả, gừng tươi 2 lát, táo tàu 2 – 3 quả. Sắc lấy nước uống, mỗi ngày 2 lần.

Cầm máu dùng hạt nhãn nghiền thành bột dùng ngoài.

Mụn ở mí mắt (mụn lẹo): Cùi nhãn, giã nát để đắp, dùng lúc mới sưng có hiệu quả.

Bỏng: Dùng hạt nhãn tán bột, trộn với dầu hạt cải hoặc dầu mè dùng để bôi.

Thiếu hồng cầu gây thiếu máu: Cùi nhãn 20g, đậu ván 60g, táo tàu 15quả. Sắc uống. Ngày 1 thang.

QUẢ MẬN

Quả mận cũng gọi là gia khánh tử là quả của cây mận (Prunus triflỏa), họ Hoa hồng (Rosaceae). Tính bình, vị ngọt chua. Thành phần chủ yếu có các loại đường, canxi, phospho, kali, vitamin A, C và nhiều loại acid amin.

Tác dụng: mát gan, giải nhiệt, tiêu khát sinh tân dịch, lợi thủy chống ứ. Chủ yếu dùng với các triệu chứng lao phổi (sôt nhẹ về chiều, ra mồ hôi trộm), háo nước, thanh hỏa giải độc.

Cách dùng: ăn tươi hoặc ép nước

Kiêng kị: không nên dùng nhiều do sinh đờm, tì vị tổn thương, sốt rét lị.

Chữa trị một số bệnh:

Bệnh lao, sốt, chống háo nước: mận tươi bóc vỏ giã nát, vắt lấy nước để lạnh uống.

Sưng gan bụng bang nước, tiểu tiện khó khăn: mận tươi ăn.

QUẢ MÂM XÔI

Mâm xôi cũng gọi là thụ môi… là quả của cây mâm xôi, tên khoa học là Rubus alceaeolius spp. Thuộc họ hoa hồng. Tính ôn vị ngọt chua, thành phần chủ yếu gồm các loại đường, canxi, phosphor, kali, vitamin C, B1. Quả chín có thể bảo quản lạnh hoặc phơi khô dùng dần.

Tác dụng: Bổ gan thận, sinh tân dịch, khai vị, chữa khát, giải độc tiêu đờm. Chủ yếu dùng cho yếu thận dương hư, di tinh, di niệu, niệu cấp, tiểu tiện nhiều lần, bệnh đơn trúng gió đau đớn, tiêu hóa không tốt.

Cách dùng: Ăn sống hoặc sản phẩm khô làm thuốc.

Chữa trị một số bệnh:

Tiêu hóa không tốt, trướng bụng nôn mửa, đi ngoài: mân xôi tươi ăn sống khoảng 20 – 30g, ngày 2 – 3 lần.

Sót nước tiểu, tiểu cấp, tiểu nhiều lần: mâm xôi khô 30g, sao vàng, sắc lấy nước bỏ bã, uống mỗi tối trước khi đi ngủ. Trẻ em bằng nửa người lớn.

Đông y Thiện Tri Thức tổng hợp

Bài viết liên quan