SÀI ĐẤT
-
Tên khoa học: Wedelia chinensis (Osb.) Merr. Họ Cúc (Asteraceae), còn gọi là Ngổ núi – Húng trám – Cúc nháp.
-
Bộ phận dùng: Cả cây (bỏ gốc, rễ) của cây Sài đất (Herba Wedeliae) dùng tươi hoặc sấy khô; Được ghi nhận vào Dược điển VN.
-
Mô tả cây: Cây sài đất là cỏ sống dai, mọc bò lan, mọc thành rễ ở từng đoạn thân, đầu ngọn thân cành có khi cao 30 – 50cm. lá hình bầu dục dục nhọn, dài 20 – 40mm, rộng 8 – 20mm, có lông cứng ở hai mặt, sờ nháp tay,mép mỗi bên thường có 2 – 3 răng cưa thưa to và nông, phiến lá gần như không có cuống. Hoa tự hình đầu, mọc ở kẽ lá hay đầu cành, lá bắc ngoài hình trái xoan ngược, đầu hơi tròn màu vàng tươi, đường kính độ 2cm. Mùa hoa tháng 3 – 4. Quả bế dài 3 – 5mm. Cây sài đất mọc hoang ở khắp nơi, nay được trồng ở các trạm y tế.
-
Thu hái và chế biến: Mùa thu hái quanh năm nhưng thường thu hái cuối mùa xuân, đầu hạ là tốt nhất. Ngắt những đoạn cành mọc đứng có lá, chưa có hoa, dài độ 10cm, kể từ ngọn xuống, bỏ những lá già, lá úa, rửa sạch đất cát, có thể dùng tươi hoặc sấy nhẹ cho khô mà vẫn giữ màu xanh. Cần lưu ý để tránh lẫn với Cây chè đất họ cỏ roi ngựa, thân hơi tím lá hình múi tròn, nửa phần trên gần cuống thót lại hình tam giác, không có răng cưa, nửa phần đầu hơi tròn, có nhiều răng cưa hơi mau, hoa mọc thành bông; Cũng cần tránh cây Sài lan còn gọi là Sài lông. Thân nằm ngang, lá to hơn, màu nhạt, hoa màu vàng nhạt, to hơn, đường kính độ 3cm, cán hoa dài, không dùng làm thuốc. Ngoài ra còn có Cây lỗ địa cúc, họ Cúc còn gọi là cây sài gục. Thân mọc bò, lá to, rộng hơn sài đất, hình mũi mác, hoa cũng vàng tươi. Cây này cũng mọc hoang và dùng làm thuốc như sài đất.
-
Công dụng: Theo Đông y, sái đất vị hơi mặn, hơi đắng, tính mát vào 2 kinh Phế vị. Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, giảm đau. Chữa sốt nóng, ho, mụn nhọt, lở. Sài đất có tác dụng kháng sinh, không thấy độc tính, chữa viêm tấy ngoài da, mụn nhọt, áo xe, lở loét, sưng vú, sưng khớp, xương, răng… có thể dùng tươi hay khô. Ngày dùng khoảng 100g sài đất tươi giã với ít muối, thêm ít nước chín, vắt lấy nước uống, hoặc giã đắp lên chỗ đau. Sài đất khô thì dùng 20 – 40g, sắc uống. Có thể nấu cao, chế xiro; dân ta thường dùng sài đất làm rau ăn hoặc dùng tăm trị rôm sảy.
Theo một số báo cáo, Sài đất cùng chữa bạch hầu đạt kết quả tốt, chữa viêm amiđan, đau cổ họng, viêm chân răng, viêm phổi, tăng huyết áp, khái huyết, ho hen do nhiệt, chảy máu cam, ho gà, đau mắt đỏ, do nóng trong gan (phong nhiệt).
-
Bảo quản nơi khô ráo, râm mát, tránh làm vụn lá.
Đông y Thiện Tri Thức tổng hợp