SA NHÂN

  • Tên khoa học: Amomum xanthioides Wall, họ Gừng (Zingiberaceae) còn gọi là Mắc nẻng – Mé tré bà – Súc sa mật.

  • Bộ phận dùng:

    • Cả quả già đúng độ (không non, cũng không già quá, phơi khô của cây sa nhân – Fructus Amomixanthioidis). Trong Dược điển TQ có ghi 3 loại sa nhân (ở Việt Nam đều có): A. Villosum Lour (Sa nhân); A.villosum Lour. Var. xanthiaoides T.L Wu et Senjen là Sa nhân gai; A. longgigulare. T.L. W là Sa nhân lưỡi dài.

    • Khối hạt còn lại (thường gọi là nhân) sau khi bóc bỏ lướp vỏ ngoài của sa nhân (samen Amomi xanthioidis), được ghi vào Dược điển VN.

    • Vỏ quả sa nhân (Pericarpium) gọi là súc bì.

  • Mô tả cây: Cây sa nhân là một cỏ nhỏ, cao khoảng 1 – 2m, hình dáng gần giống như cây riềng nhưng thân rễ không phát triển thành củ như riềng. Lá mọc so le, mặt nhẵn bóng, màu xanh sẫm, dài 30 – 45cm, rộng 4 – 6cm. Ra hoa vào mùa hạ (tháng 4 – 5), thành 3 – 6 chùm dưới gốc, mỗi chum 4 – 6 hoa trắng thớm. Quả nang hình bầu dục, to bằng đầu ngón tay, bên trong có mảnh hạt. Quả chín vào khoảng tháng 7 – 8. Cây mọc hoang và được trồng ở nhiều nơi trên cả nước.

  • Thu hái và chế biến: Mùa thu hái tháng 7 – 8. Khi quả già, cần chú ý để thu hái kịp thời vụ. Khi vỏ ngoài màu vàng sẫm, kẽ gai đã thưa, bóp quả thấy còn cứng, bóc ra thấy róc vỏ, hạt hơi có màu vàng, ở giữa có chấm đen hay màu hung hung, nhấm thấy chia và chất cay nồng là sa nhân đúng tuổi hái được. Được chia thành các loại sau: Quả sa nhân già; quả bánh tẻ; quả non; quả đã chín thành đường. Đem phơi khô hoặc sấy nhẹ lửa cho khô. Cũng có thể bóc vỏ để riêng, lấy nhân rồi phơi khô hoặc sấy nhẹ. Sa nhân mùi thơm tinh dầu, vị cay mát, hơi đắng. Loại sa nhân quả to, khô chắc hạt, nhân mập, màu nâu, có một lớp trắng bao quanh bên ngoài, không vụn nát, không mốc hoặc lẫn tạp chất là tốt.

Sa nhân phải nguyên hạt hoặc vỡ đôi ba. Mảnh vụn nát (hạt rời) không quá 10%. Hiện nay người ta chia thành 5 loại sa nhân có giá trị khác nhau:

    • Sa nhân hạt cau: hạt già mẩy, mùi thơm, vị cay the, màu nâu sẫm là tốt hơn cả.

    • Sa nhân non: hạt còn non hay bánh tẻ, không mảy, nhăn nheo, màu vàng sẫm, ít thơm cay.

    • Sa nhân vụn: gồm 3 loại (cau + non + đường) vỡ vụn hoặc phơi sấy không đúng quy cách, kém cay (còn gọi là sa nhân cứt gián)

    • Sa nhân đường hạt đã chín, màu đen ít the cay, vị ngọt, ít thơm, sờ thấy ẩm ướt, dù đã phơi khô, cũng vẫn mềm là kém.

    • Sa nhân sô: gồm cả 4 loại trên, trong đó sa nhân hạt cau và sa nhân non phải có trên 80%.

  • Công dụng: Theo Đông y, sa nhân vị cay, tính ấm có tác dụng hành khí (giúp hô hấp), điều trung (làm ấm bụng, giúp tiêu hóa), giảm đau, an thần, chống nôn mửa, an thai. DÙng để chữa các bệnh như đầy hơi; ăn uống không tiêu, đau bụng nấc nghẹn, nôn mửa tả lỵ do lạnh, động thai.

    • Liều dùng: 1,6 – 6g. Để cả vỏ sao vàng sắc uống (có khi bỏ vỏ lấy hạt)

    • Lưu ý: Có thể chế biến thành Diêm sa nhân (sa nhân chích muối) Lấy 5kg sa nhân rửa sạch và 125g muối, hòa với nước sôi vừa đủ trộn đều sao nhẹ lửa cho hơi khô lấy ra để nguội, sắc uống. Người thuộc chứng âm hư mà nhiệt không được dùng.

  • Một số bài thuốc ứng dụng:

    • Bài số 1: Chữa người sức yếu, đờm khò khè, nôn mửa, đầy tức yếu dạ:

Mộc hương

2g

Sa nhân

3g

Trần bì

5g

Nhân sâm

3g

Phục linh

5g

Bán hạ chế

3g

Bach truật

5g

Cam thảo`

3g

Gừng tươi vài lát, sắc uống..

    • Bài số 2: Chữa phụ nữ động thai, dạ dày suy nhược: Súc sa nhân 30g nghiền vụn.. nếu nôn mửa uống, mỗi lần 3g với nước gừng sống. Nếu đầy tức, chảy máu tử cung, mỗi lần uống 9g, với nước cháo.

    • Bài số 3: Độc vị sa nhân: Chữa lạnh dạ dày nôn ọe: Sa nhân 30g; Tán bột. Mỗi lần uống với 1,5 – 3g, ngày 3 lần, với nước gừng tươi (nước nóng).

  • Ở Việt Nam có hai cây mà Dược điển TQ ghi nhận là Sa nhân lông cùng họ Gừng (TQ gọi là Dương xuân sa); Sa nhân lưới dài họ Gừng mọc hoang vùng núi rừng nhiều nơi đều có.

Đông y Thiện Tri Thức tổng hợp

Bài viết liên quan