SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE – BỆNH DỊCH NGUY HIỂM

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra với trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes aegypti. Bệnh có biểu hiện trên lâm sàng với sốt đột ngột, xuất huyết và trụy mạch. Người bệnh nếu không được điều trị kịp thời và đúng mức có thể dẫn đến tử vong.

Dịch sốt xuất huyết có xu hướng lan rộng trong nhiều năm gần đây, không chỉ tập trung ở một khu vực hay một quốc gia mà lan rộng. Bệnh có những trường hợp nhẹ nhưng cũng có những trường hợp nặng có thể gây tử vong.

Ở nước ta dịch thường bùng phát với chu kỳ 3 đến 5 năm một lần rơi vào các tháng có mưa nhiều, thời tiết ẩm thấp từ tháng 6 đến tháng 10 và rải rác quanh năm. Thường gặp ở nơi có môi trường kém và đông dân cư.

Người bệnh là nguồn bệnh chính nên những trường hợp bị nhẹ, ít được quản lý và phát hiện trở thành nguồn phát tán bệnh.

Nguyên nhân gây bệnh được phát hiện là do virus Dengue thuộc họ Arbovirus được truyền qua vết đốt của muỗi cái Aedes aegypti. Có 4 type huyết thanh gây bệnh, ở Việt nam đều có đủ nhưng gây bệnh chủ yếu là dạng I và II.

Theo WHO sốt xuất huyết được chia thành 4 mức độ:

  • Độ I: có sốt đột ngột, kéo dài từ 2 đến 7 ngày kèm theo nổi hạch, đau nhức, mạch và huyết áp bình thường, dấu hiệu Lancet (+), tiểu cầu giảm và hematocrit tăng.
  • Độ II: Có sốt và xuất huyết đưới da, niêm mạc, phủ tạng đơn thuần.

 

  • Độ III: Như độ II có kèm theo mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt và kẹt; xuất huyết vừa và tiền sốc.
  • Độ IV: mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt hoặc không đo được, người bệnh có sốc thật sự.

Triệu chứng lâm sàng: thời gian ủ bệnh kéo dài 5 đến 7 ngày sau đó xuất hiện các hội chứng như:

  • Hội chứng nhiễm virus: có sốt cáo đột ngột liên tục từ 39 đến 40 độ hoặc sốt thành pha từ 2 đến 7 ngày; có rối loạn tiêu hóa như đau bụng, nôn, bỏ ăn; gan to, đau tức vùng gan hay gặp ở trẻ em; Đau đầu mỏi cơ khớp; sưng hạch ngoại vi, đặc biệt hạch cổ, khuỷu tay; Da niêm mạc mắt có xung huyết hoặc phát ban trên da.
  •  Hội chứng xuất huyết: thường xảy ra vào ngày 2 đến 3 của bệnh  từ nhẹ đến nặng: nghiệm pháp Lancet (+); xuất huyết có thể ở dạng chấm nốt hoặc mảng, nặng có thể chảy máu cam, chảy máu chân răng, nặng hơn có thể nôn ra máu, đi ngoài phân đen do xuất huyết tiêu hóa hoặc rong kinh kéo dài ở nữ.
  • Hội chứng suy tuàn hoàn: người bệnh có huyết áp dao động hoặc giảm nhẹ, mạch nhanh nặng có thể có dấu hiệu tiền sốc như người bệnh bồn chồn, li bì, hạ nhiệt độ nhanh, đau bụng tăng đặc biệt vùng gan, chân tay lạnh, tím tái rồi chuyển sang sốc như mạch nhanh nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt, kẹt..

WHO đã đưa ra tiêu chí tối thiểu chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue:

  • Sốt cao đột ngột kéo dài hoặc ngắt quãng từ 2 đến 7 ngày.
  • Có xuất huyết nhẹ nhất là dấu hiệu Lancet (+), ở da có chấm nốt hoặc có xuất huyết niêm mạc, tiêu hóa.
  • Xét nghiệm thấy tiểu cầu giảm dưới 100.000mm3.
  • Tốc độ máu lắng (hematocrit) tăng trên 20%.

Điều trị sốt xuất huyết cần khẩn trương nhan chóng khi phát hiện ra bệnh. Nguyên tắc là bù đủ dịch sớm, hạ nhiệt khi sốt cao và xử trí xuất huyết. Người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra và xử lý đồng thời cũng để cảnh báo nguy cơ dịch bùng phát trong cộng đồng nhằm có biện pháp xử lý kịp thời.

Đối với những trường hợp xa cơ sở y tế mà người bệnh có sốt xuất huyết độ 1 và 2 có thể bù nước và điện giải bằng đường uống như oresol, nước chanh, cam… Theo dõi sát người bệnh nếu người bệnh không uống, có huyết áp dao động va có nôn cần truyền điện giải ngay; hạ sốt và an thần nếu cần.

Phòng bệnh là yêu cầu quan trọng đối với không chỉ sốt xuất huyết mà còn đối với các bệnh truyền nhiễm khác nữa. Đối với sốt xuất huyết cần theo dõi các trường hợp có sốt; đi khám bệnh ngay nếu có nghi ngờ nhiễm bệnh; vệ sinh môi trường thoáng sạch, không để nguồn nước tù đọng quanh nhà, nằm màn khi ngủ, úp các vật dụng có nguy cơ chứa nước mưa không để cho muỗi có cơ hội đẻ trứng và phát triển, dùng thuốc phun muỗi quanh nhà nếu nằm trong vùng dịch…

Đông y Thiện Tri Thức tổng hợp 

Bài viết liên quan