CÁC BÀI THUỐC BỔ ÂM – PHẦN 2
Bài thuốc Bổ âm là những bài thuốc gồm các vị thuốc ngọt mát để dưỡng âm như Địa hoàng, Mạch môn, Sa sâm, Quy bản, Kỷ tử… để chữa các chứng âm hư chủ yếu là Can thận âm hư, triệu chứng lâm sàng chủ yếu thường thấy là sốt về chiều, người gày, da nóng, má hồng,, lòng bàn tay bàn chân nóng, mất ngủ, ra mồ hôi trộm, khát nước, họng khô, lưỡi đỏ, ít rêu, mạch tế sác…
- Đại bổ âm hoàn (Đan khê tâm pháp)
- Thành phần: Hoàng bá sao 16g; Thục địa (chưng rượu) 24g; Tri mẫu (rượu sao) 16g; Quy bản (tẩm giấm nướng) 24g.
- Cách dùng: Tất cả tán bột mịn luyện mật làm hoàn, làm nhiều ít tùy ý. Mỗi lần uống 8 – 12g vào sáng tối 2 lần. Có thể làm thang sắc uống.
- Tác dụng Tư âm giáng hỏa. là bài thuốc chủ yếu để tư thận âm, giáng hư hỏa, chữa chứng âm hư nội nhiệt.
- Giải: Trong bài Hoàng bá đắng hàn tả thanh hỏa; Tri mẫu thanh hư nhiệt; Thục địa tư bổ thận âm; Quy bản tư âm tiềm dương giảm bở tính táo và đắng của Tri mẫu và hoàng bá. Cách vị cùng dùng có tác dụng tư âm giảng hỏa.
- Ứng dụng trên lâm sàng thường dùng chủ yếu trị ccá chứng âm hư nội nhiệt, biểu hiện sốt về chiều, ra mồ hôi trộm, lòng bàn tay chân nóng. Nếu nhiệt thương phế lạc làm ho ra máu, nếu hư nhiệt ảnh hưởng đến tỳ vị sinh ra chứng tiêu khát.
- Trường hợp ra mồ hôi trộm nhiều gia Mẫu lệ, lá Dâu, Phù tiểu mạch, Rễ lúa nếp để dưỡng âm liễm hãn.
- Nếu trường hợp bệnh lao ho ra máu gia Tiên hạc thảo, Trắc bá diệp, Cỏ nhọ nồi, A giao để dưỡng âm, chỉ khát, cầm máu.
- Nếu trường hợp khát nước uống nhiều gia Thạch hộc, Thiên hoa phấn, Sa sâm để dưỡng vị âm chỉ khát.
- Bài thuốc không nên dùng cho người bệnh tỳ vị hư nhược, ăn kém, tiêu lỏng.
- Tư thận hoàn – Thông quan hoàn (Lam thất bí tàng)
- Thành phần là Tri mẫu 40g; Hoàng bá 40g; Quế nhục 2g;
- Cách dùng: Tán bột làm hoàn, mỗi lần uống 8 – 12g, ngày 2 lần lúc bụng đói với nước sôi ấm.
- Tác dụng thanh nhiệt ở hạ tiêu; chủ trị chứng bàng quang nhiệt, tiểu khó, bụng dưới đầy chướng. Bài thuốc chủ yếu dùng để giáng hỏa giúp bàng quang khí hóa lợi thủy được tốt.
- Tư âm giáng hỏa phương (Hải thượng Y tông tâm lĩnh)
- Thành phần: Thục địa 40g; Sinh địa 40g; Đan sâm 20g; Thiên môn 12g; Ngưu tất 12g; Ngũ vị 6g;
- Cách dùng: Lấy 20g thạch hộc đổ 2 bát nước sắc lấy còn 1 đến 2 bát, sau đó cho các vị thuốc vào sắc còn 1 bát uống lúc còn ấm.
- Tác dụng: Chủ trị các chứng âm hư, dương lấn thủy suy hỏa bốc, mạch hồng, sác, người gầy, da khô, khát nước, thổ huyết, nục huyết.
- Nhất quán tiễn ( Liễu Châu y thoại)
- Thành phần gồm một số vị thuốc: Bắc sa sâm 12g; Đương quy 12g; Câu kỷ tử 24g; Mạch đông 12g; Sinh địa 14 – 60g; Xuyên luyện tử 6g;
- Cách dùng: Sắc nước uống. Liều lượng tùy tình hình mà gia giảm.
- Tác dụng: Dưỡng âm sơ can.
- Giải: Bài thuốc có tác dụng chủ yếu là tư dưỡng can âm, sơ can lý khí. Trong bài: Sinh địa: tư dưỡng Can thận là chủ dược; Bắc Sa sâm, Mạch môn, Kỷ tử đều có tác dụng hỗ trợ tư can dưỡng âm; Đương quy dưỡng huyết, hòa can; Xuyên luyện tử có tác dụng sơ can, tán nhiệt. Các vị thuốc dùng chung hợp thành bài thuốc có tác dụng dưỡng can thận âm, sơ can lý khí.
- Trên thực tế lâm sàng thì Bài thuốc chữa Can thận âm hư, can khí uất gây nên ngực sườn đau tức, miệng đắng, ợ chua, họng khô, lưỡi đỏ khô.
- Nếu miệng đắng, họng khô gia Hoàng liên, hoàng cầm, Thiên hoa phấn để thanh nhiệt. Nếu đại tiện táo bón gia Qua lâu nhân, Hỏa ma nhân để thông tiện. Nếu có hư nhiệt ra mồ hôi trộm nhiều gia Địa cốt bì, Mẫu lệ, Lá dâu để thoái hư nhiệt, chỉ hãn.
- Trường hợp âm hư nặng, lưỡi đỏ khô hoặc nổi gai đỏ gia Thạch hộc để dưỡng vị âm.
- Trường hợp đàm nhiều gia Qua lâu, Bối mẫu để khu đàm, nếu bụng đau gia Bạch thược, Chế hương phụ, Cam thảo để hòa can, lý khí, chỉ thống.
- Trường hợp gan to có khối u cứng gia Miết giáp để nhuyễn kiên, tán kết.
- Bài thuốc thường được ứng dụng chữa chứng viêm gan mãn có kết quả nhất định thường được dùng thêm các vị Đương quy, Đơn sâm, Bạch thược để sơ can hòa huyết. Nếu tiêu hóa kém, đầy bụng đầy hơi thì gia Sa nhân, Mộc hương, Kê nội kim dể hành khí tiêu thực. Trường hợp mất ngủ gia Bá tử nhân, Toan táo nhân sao, Ngũ vị tử để dưỡng tâm an thần.
Bài viết có tính tham khảo không thay thế cho sự khám và điều trị của thày thuốc.
Đông y Thiện Tri Thức tổng hợp.