CÁC BÀI THUỐC TỪ CÂY MAI

Hoa mai là loài hoa quý, có nhiều chủng loại khác nhau với vẻ đẹp đầy tao nhã, sang trọng và quý phái. Từ xưa hoa mai đã được coi là hoa của người quân tử, đẹp và mạnh mẽ. Trong các loài mai có lẽ được chuộng nhất là Hoa mai trắng (bạch mai); Hoa mai trắng vừa đẹp thanh khiết vừa rất phong phú về dược tính.

Sách Bản thảo cương mục gọi là Bạch Mai hoa; sách Cương Mục thập di gọi là Lục ngạc mai; sách Dược Tài Học gọi là Lục mai hoa.

Cây mai trắng còn được gọi với nhiều tên gọi khác nhau như Bạch mai (Bản thảo kinh tập chú); Diêm mai (Thượng Thư); Sương mai (Bản thảo cương mục); Bạch sương mai (Bản thảo tiện độc);

Hoa mai là thứ cây thân mộc loại nhỏ thuộc họ tường vi, tên khoa học là Prunus mume (Sieb) gồm tới 200 giống, phân làm hai loài lớn là hệ cho ăn quả và hệ cho hoa ngắm, hoa quả của cả hai hệ này đều có thể dùng làm vị thuốc.

Về dược tính của Hoa mai trắng:

  • Sách Bản thảo cương mục chép rằng Hoa mai trắng vị hơi chua chát, không độc.
  • Sách Bách Thảo kính cho rằng Hoa mai trắng tính lạnh, khai vị tan uất kết, nấu cháo ăn giúp đưa khí thanh lương lên.
  • Sách Thực vật nghi kỵ cho rằng Hoa mai vị chua chát, tính bình…
  • Sách Ẩm phiến tân tham cho rằng hoa mai trắng vị ngọt pha đắng bình can hòa vị, cắt cơn đau dạ dày, váng đầu, giúp ăn ngon miệng tiêu hoa tốt.
  • Sách Bản thảo nguyên thủy cho rằng Hoa mai trắng giúp sáng đầu và mắt, lợi phế khí, khử đờm ứ tắc.
  • Sách cương mục thập di cho rằng Hoa mai trắng chủ an thần, định hồn, giải đậu độc.

Về dược tính của quả mai (mơ):

  • Theo sách Bản thảo cương mục cho rằng Quả mai vị chua mặn, tính bình, không độc, chữa chứng gió động kinh co giật, liệt họng, nghẹt đờm ngã ngất, tả lỵ phiền khát, tiêu chảy ói mửa, chảy máu, băng huyết.
  • Sách Nam Dược thần hiệu cho rằng Quả mai (mơ) vị chua, tính bình, không độc, ăn sống hại răng, dùng làm thuốc thì chế thành hai thứ:
    • Bạch mai chế: Quả mơ trắng muối vị mặn chua, tính lạnh, không độc, tác dụng trừ nhiệt, chỉ huyết sinh tân dịch, lợi cuống họng, chữa trúng phong đờm huyết và kiết lỵ
    • Ô mai chế: Quả mơ đen muối vị mặn chua pha chát, tính ấm, bình, tác dụng giải phiền nóng, liễm phế khí, an âm, trừ tả lỵ, sốt rét tiêu khát và đờm dãi.
  • Sách Nhật hoa tử bản thảo cho rằng Quả mai tính ấm, không độc chữa vết thương do đâm chem., cầm máu, giã đắp.
  • Sách Bản thảo tòng tân cho rằng Quả mai nhai nát, đắp vào chỗ bị gai lặn sâu trong thịt, gai tự lòi ra.

Lưu ý: Dùng quá nhiều quả mai sẽ bị hư răng và tổn thương gân.

TRỊ LIỆU

  1. Chữa chứng mai hạch khí (có cảm giác có vật nghẹn ở cổ, nuốt không được, khạc không ra) dùng 1 trong các phương sau:
  • Phương 1: Hoa mai trắng 3 đến 5 đóa, gạo tẻ 50g; gạo vo sạch đem nấu cháo, khi cháo sắp chín cho hoa mai vào nấu đến khi hoa nhừ, để còn âm ấm thì ăn – Sơn Gia Thanh Cung.
  • Phương 2: Hoa mai trắng 6g, bánh quất 2 cái (hoặc tạm dùng 10 g mứt quất). Đem bánh quất thái thành sợi (thái nhỏ mứt quất) gộp chung với hoa mai trắng trộn đều chia làm 3 phần. khi dùng cho 1 phần thuốc này vào tách rồi rót nước sôi già ngâm, chờ nước còn ấm thì uống – Trung Dược đại từ điển.
  • Phương 3: Hoa mai trắng 5g; trà xanh 50g. Cho hoa và trà vào 1 cái hũ sạch trộn thật đều, mỗi lần dùng lấy ra 1 ít hãm uống – Bách hoa trị bách bệnh.
  1. Chữa chứng mất ngủ dùng hoa mai trắng 5g, hoa hợp hoan 10g, rượu cúc 50ml. Cho cả hai thứ hoa vào rượu đem chưng cách thủy tới hoa chín nhừ  để còn âm ấm thì uống sau bữa cơm tối 1h – Bách hoa chữa bách bệnh.
  2. Chữa chứng ngán ăn dùng Hoa mai trắng 6g, hoa đậu ván trắng 15g; trái sơn tra khô ép thành miếng 20g. Gộp chung 2 thứ trộn đều chia làm 3 đến 5 phần bằng nhau. Khi dùng lấy 1 phần chế nước sôi già ngâm cho đến khi còn âm ấm thì uống – bách hoa trị bách bệnh.
  3. Chữa chứng tràng nhạc dùng 7 đóa hoa mai, 1 quả trứng gà đục 1 lỗ nhỏ nhét hết hoa vào trong trứng rồi dán kín lại bằng giấy sạch ướt, sau đó đem hấp cách thủy cho chín, bóc bỏ vỏ trứng và hoa, ăn trứng, ăn trong 7 ngày – Bách hoa trị bách bệnh.
  4. Chữa Viêm họng dùng Hoa mai trắng 6g, hoa dành dành 5g, trà xanh 20g. Gộp chung 3 thứ trộn đều  chia làm 5 phần bằng nhau. Khi dùng cho 1 phần thuốc này với nước sôi già ngâm cho đến khi còn âm ấm thì uống – Bách hoa trị bách bệnh.
  5. Chữa chứng Đậu mùa mới phát dùng Hoa mai trắng lượng thích hợp, phơi khô tán nhỏ, ngào với mật mía viên thành những viên bằng hạt đậu xanh, tùy theo độ tuổi mà định lượng thuốc uống, như 1 tuổi uống 1 viên, mỗi tuổi thêm 3 viên, uống với nước nóng, ngày 3 lần là khỏi – Nam dược thần hiệu.
  6. Phòng ngừa chứng lên sởi, lên đậu; Vào sáng sớm những ngày tháng chạp (tháng 12 âm lịch) hái lấy 100 đóa hoa mai trắng đẫm sương, ướp với 1 ít đường trắng. Mỗi lần ăn 3 đến 5 đóa, mỗi ngày 3 lần – Bất Dược Lương Phương.

Ngoài ra còn có một số phương trị bệnh khác như:

  • Chữa chứng “Thổ tả” dùng Quả mai muối lượng thích hợp, nấu lấy nước uống, uống từng hớp nhỏ, mỗi lần cách nhau 10 đến 15 phút – Như Nghi Phương.
  • Chữa chứng Ung thư đã thối rữa ra hay chưa thối có thể dùng  Quả mai (trắng) muối lượng thích hợp, đốt tồn tính, tán thành bột hòa với hương du thoa đậm chung quanh vết thương – Dị Giản Phương.
  • Chữa chứng Vết thương do Dao kiếm đâm, chém. Dùng Quả mai lượng đủ dùng, đốt thành than, nghiền thành bột rắc vào vết thương để suốt đêm, sáng ra sẽ đỡ hẳn. Phương này cũng dùng để chữa chấn thương nặng do bị đánh hoặc bị ngã – Thiên Kim Phương.
  • Chữa chứng ho lâu năm dùng Diêm mai (mơ muối), thiên môn, mạch môn, bách bộ, vỏ rễ dâu bằng lượng nhau, đủ dùng, giã thành bột, luyện với mật ong và nước gừng vê thành những viên bằng hột nhãn, mỗi lần dùng 1 viên, ngậm và nuốt dần – Trồng hái và dùng cây thuốc.
  • Chữa chứng Ho nóng, khạc đờm ra có máu dùng Ô mai, hoa hòe (sao), quả dành dành (sao), vỏ rễ dâu mỗi thưs 12g, sắc với một lượng nước thích hợp, để còn âm ấm chia làm 2 đến 3 lần uống – Trồng hái và dùng cây thuốc.
  • Chữa chứng Kiết lỵ lâu ngày không khỏi dùng mai 20 quả, nước 1 bát, sắc còn 6/10 bát, uống vào lúc đói - Trồng hái và dùng cây thuốc.
  • Chữa chứng Tiêu Khát (Tiểu đường) dùng ô mai (bỏ hạt) 80g, sao qua, tán nhỏ, mỗi lần dùng 8g với đậu sị (đậu đen đồ, ủ lên meo) 200 hạt, sắc lên uống hoặc nấu ăn dùng vào lúc đói – Nam Dược thần hiệu.
  • Chữa chứng Đại tiện ra máu ở trẻ em dùng Rễ cây mai (bỏ vỏ ngoài) một nắm, rửa sạch, sắc cho uống – Nam Dược thần hiệu.

    Nguồn: Đông Y Thiện Tri Thức tổng hợp.

Bài viết liên quan