UNG THƯ CỔ TỬ CUNG

I. TỔNG QUAN

1. Khái niệm

Ung thư cổ tử cung (CTC) là bệnh có tần suất gặp nhiều thứ 2 trong các bệnh ung thư của phụ nữ trên thế giới. Khoảng 80% các ca ung thư CTC xảy ra ở nước có mức sống thấp trong đó có Việt nam, ngoài ung thư CTC còn có ung thư vú, ung thư trực tràng xuất hiện với tần suất cao.

Ung thư CTC là dạng u ác tính nguyên phát ở CTC, thường có nguyên nhân là do các tế bào biểu mô vảy, biểu mô tuyến hoặc biểu mô đệm tăng sinh. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể đạt được kết quả tốt.

Ung thư CTC thường diễn ra trong một thời gian dài có thể mất nhiều năm, bệnh có thể được phát hiện sớm qua thăm khám và xét nghiệm tế bào cùng với soi cổ tử cung.

2. Nguyên nhân:

Ung thư CTC đã được nhiều nghiên cứu bước đầu chỉ ra là do nhiễm virút HPV (Human papiloma virus) tuy nhiên ngoài nguyên nhân chính còn có nhiều nguyên nhân khác cũng như còn do những yếu tố làm cho bệnh dễ xảy ra hơn bình thường, đó là yếu tố nguy cơ gây bệnh:

  • Phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 55 tuổi, hiếm thấy dưới 20 tuổi.
  • Có quan hệ tình dục sớm và có quan hệ với nhiều người.
  • Phụ nữ có tiền sử sinh đẻ từ 4 lần trở lên.
  • Phụ nữ có hút thuốc lá.
  • Nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục như herpes, nhiễm nấm sinh dục.
  • Suy giảm miễn dịch, rối loạn chuyển hóa và nội tiết, viêm gan và tiểu đường…
  • Tình trạng kinh tế - xã hội kém, chế độ ăn không đầy đủ.

3. Triệu chứng

Phần lớn các trường hợp ung thư CTC phát triển theo các bước từ bình thường chuyển sang sản gai, đến dị sản nhẹ sang trung bình rồi nặng, sau đó chuyển sang ung thư tại chỗ đến ung thư vi xâm lấn và xâm lấn thực sự. Thời gian để chuyển sang ung thư thông thường kéo dài vài năm cho đến cả chục năm. Do thời gian tiến triển chậm nên nếu phát hiện sớm có thể có đủ thời gian để điều trị và xử lý.

Giai đoạn tiền ung thư hầu như không có triệu chứng, khi chuyển sang ung thư sẽ thấy có triệu chứng:

  • Ra huyết trắng dai dẳng, có mùi hôi hoặc có dính máu.
  • Xuất huyết âm đạo sau giao hợp, sau làm việc nặng, sau rặn khi đi đại tiện hoặc sau khi đã mãn kinh.
  • Bệnh nặng có thể chảy dịch lẫn nhiều máu từ âm đạo kèm theo đau nhức vùng lưng, xương chậu.
  • Giai đoạn muộn có thể gây vô niệu do ung thư chèn ép vào niệu quả gây ra.

4. Lưu ý điều trị và phòng bệnh

Bệnh có thể được kiểm soát tốt nếu phát hiện và điều trị sớm kịp thời trong giai đoạn tiền ung thư.

Ngày nay dự phòng là việc rất quan trọng, để phòng tránh virút HPV đã có vaccine tuy nhiên cũng là mới dự phòng được 1 loại nguyên nhân, ngay cả khi tiêm phòng thì vẫn còn nguy cơ tái nhiễm sau nhiều năm.

Vaccine nên được tiêm cho rộng rãi cho phụ nữ ở các độ tuổi, tuy nhiên hiệu quả chỉ đạt được tốt nhất là cho trẻ gái trước độ tuổi sinh sản và trước khi có quan hệ tình dục. mức đáp ứng vaccine có xu hướng giảm dần hiệu quả theo độ tuổi. Mặc dù vậy, tiêm phòng ở mọi độ tuổi vẫn giúp giảm phần nào nguy cơ ung thư cho phụ nữ và giảm nguy cơ lan truyền qua con đường tình dục vì HPV không chỉ gây ung thư cho nữ mà cũng gây ung thư chon nam như ung thư dương vật, trực tràng.

Việc sử dụng vaccine cần tuân thủ theo hướng dẫn của thày thuốc.

 Một trong những yếu tố giúp giảm khả năng mắc HPV chính là giảm các yếu tố nguy cơ trong đó có ảnh hưởng của lối sống và sinh hoạt như không sinh hoạt tình dục bừa bãi, không sử dụng thuốc lá, rượu, hạn chế sinh đẻ nhiều…

Ung thư CTC là bệnh có thể phòng ngừa nên cần theo dõi sức khỏe của bản thân và khám phụ khoa định kỳ để phát hiện sớm và điều trị đúng các tổn thương khi mới bắt đầu hình thành.

Đông y Thiện Tri Thức tổng hợp

Bài viết liên quan