CHĂM SÓC TRẺ NHẸ CÂN NON THÁNG

1. Tổng quan

Trong lịch sử trước đây, khi y học chưa thực sự phát triển, trẻ nhẹ cân, non tháng trước đây thường ít có cơ hội được sống và do vậy trở thành nỗi đau lớn đối với cha mẹ và gia đình.

 Đến năm 1900, Boudin ở Pháp là người đầu tiên chứng minh trẻ đẻ non có thể cứu sống được với 3 điều kiện giữ ấm, dinh dưỡng tốt và vệ sinh sạch sẽ. Điều này vẫn luôn đúng và có ý nghĩa lớn cho dù ngày nay có sự trợ giúp của khoa học hiện đại.

Vậy thế nào là trẻ thấp cân, non tháng và suy dinh dưỡng hay chậm phát triển trong tử cung?

  • Trẻ thấp cân được coi là trẻ mà mặc dù đủ tháng trẻ cũng chỉ có cân nặng dưới 2500gr.
  • Trẻ non tháng là những trẻ có tuổi thai dưới 37 tuần tuổi.
  • Trẻ suy dinh dưỡng và chậm phát triển trong tử cung là trẻ có cân nặng dưới tiêu chuẩn thông thường của biểu đồ phát triển trước đẻ so với tuổi thai. Thông thường là do vừa non tháng, vừa suy dinh dưỡng và chậm phát triển trong tử cung. Trẻ có thể chậm phát triển một lần tức là chỉ giảm cân nặng còn chiều dài và vòng đầu bình thường; hoặc trẻ có chậm phát triển toàn bộ với việc có giảm cả cân nặng và chiều dài cho trẻ. Những đứa trẻ này dễ có nguy cơ hạ đường huyết sơ sinh hoặc hít phải phâ su và ngạt sơ sinh do suy thai mãn trong tử cung.

2. Nguyên nhân gây ra tình trạng nhẹ cân, non tháng

  • Từ phía người mẹ có thể nhận thấy tình trạng nhiễm độc thai nghén và có tăng huyết áp.
    • Có bất thường về tử cung, rau tiền đạo, đa ối; mắc các bệnh phụ khoa như u nạng buồng trứng, u xơ tử cung; có nhiễm khuẩn cấp tính như sốt rét, xuất huyết, viêm phổi…
    • Có thể có chấn thương ngoại khoa khi mang thai như tai nạn giao thông, mổ ruột thừa.
    • Có nhiều yếu tố nguy cơ như tuổi mẹ dưới 18 tuổi hoặc dưới 35 tuổi; mẹ có nghiện thuốc lá, rượu, ma túy hoặc đẻ nhiều lần; có thể có chấn thương tinh thần, điều kiện kinh tế xã hội thấp hoặc có yếu tố môi trường.
  • Từ phía con có thể do đa thai, thai dị dạng hoặc kém phát triển trong tử cung.

Trẻ đẻ non đều có những biểu hiện ít hay nhiều về sự kém trưởng thành các hệ thống trong cơ thể với đặc tính là thiếu hụt kho dự trữ và chức năng sinh học chưa chín muồi, điều này phụ thuộc nhiều vào nguyên nhân và mức độ sinh non. Trẻ có xu hướng kém thích thích nghi với môi trường bên ngoài

3. Các bệnh trẻ hay mắc phải

  • Trẻ có nguy cơ bị suy hô hấp: do lồng ngực dẹp, xương sườn dễ biến dạng, cơ liên sườn chưa phát triển, giãn nở kém; phổi chưa trưởng thành, phế nang chưa hoàn thiện, tổ chức đàn hồi kém, do đó phế nang khó giãn nở, trao đổi khí khó khăn. Trung tâm hô hấp chưa trưởng thành, thời gian ngừng thở kéo dài có thể đến 10giây.
  • Tuần hoàn và máu: tim trẻ to tròn; tỷ lệ tim ngực >0,55, điện thế tâm đồ có trục phải. Lỗ Botal đóng chậm, nhịp tim dao động từ 100 đến 200 lần/phút. Mạch máu nhỏ, dễ vỡ, dễ phù, các yếu tố đông máu thiếu do đó trẻ dễ xuất huyết đặc biệt xuất huyết não.
  • Thân nhiệt của trẻ khi ra đời dễ bị giảm do nhiệt độ bên ngoài thấp hơn trong tử cung, khả năng điều nhiệt kém, lớp mỡ dưới da mỏng, giữ nhiệt kém; nếu nhiệt độ của trẻ dưới 35,5 độ C thì nguy cơ trẻ có thể xuất huyết não cà chảy máu phổi. do vậy lau khô và ủ ẩm là điều đặc biệt quan trọng với trẻ non tháng, đảm bảo giữ nhiệt độ trong môi trường trẻ nằm tối ưu để hạn chế tiêu hao năng lượng cho trẻ.
  • Hệ tiêu hóa chưa phát triển, men tiêu hóa kém, dạ dày nhỏ, nhu động ruột kém do đó cần cho trẻ ăn ít một, nhiều lần trong ngày, trẻ dễ bị dầy bụng, nôn trớ; gan chưa phát triển nên có xu hướng vàng da đậm, kéo dài, hạ đường huyết, dễ tan máu.
  • Chuyển hóa và nội tiết: các men chuyển hóa chưa có nhưng nhu cầu chuyển hóa là rất lớn nên sữa mẹ là dinh dưỡng tối quan trọng cho trẻ; Thận và tiết niệu còn non kém nên trẻ dễ bị phù do giữ muối và nước. Thường xuyên bổ sung vitamin cho đến hết thời kỳ sơ sinh.
  • Khả năng miễn dịch kém, da mỏng không có khả năng kháng khuẩn, trẻ có nguy cơ nhiễm khuẩn dẫn đến tỷ lệ tử vong cao.

3. Chăm sóc trẻ như thế nào

Do những vấn đề trẻ non tháng gặp phải nên chăm sóc và nuôi dưỡng như thế nào là điều cần quan tâm. Trẻ phụ thuộc lớn vào môi trường nuôi dưỡng, chăm sóc ngay từ khi lọt lòng. Nguyên tắc chỉ đạo trong chăm sóc trẻ non tháng là giữ ấm, sữa mẹ và vô khuẩn.

Giữ ấm trẻ:

  • Cần được đặt trong môi trường ấm đẻ khỏi lạnh; trẻ cần được lau khô, ủ ấm nằm trong phòng có nhiệt độ từ 28 đến 35 độC. nếu dưới 1800gr cần cho nằm lồng ấp, điều này giúp cho chăm sóc trẻ được tốt hơn.
  • Thường xuyên theo dõi nhiệt độ phòng và lồng ấp; trẻ dưới 2000gr cần khoảng 33 - 34 độ C; dưới 1500gr cần khoảng 34 – 35 độ C.
  • Nếu không có lồng ấp thì phương pháp tốt nhất là ủ ấm cho trẻ theo phương pháp chuột túi (phương pháp kangaroo) cho trẻ nằm áp sát da tiếp xúc da với ngực mẹ hoặc ủ ấm cho trẻ bằng lò sưởi, nôi ấm.
  • Chăm sóc và tắm bé: cần giữ vệ sinh da, do đó phải tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm bằng sản phẩm vệ sinh da an toàn cho trẻ, cần tắm nhanh và lau khô bằng khăn mềm, mùa đông cầm giữ ẩm da cho trẻ và bằng cách đặt trẻ trong lồng ấp tránh mất nhiệt

Chăm sóc rốn, mắt, miệng cẩn trọng như trẻ đủ tháng, tránh nguy cơ nhiễm khuẩn cho trẻ.

Dinh dưỡng: cần cho trẻ đẻ non và thấp cân ăn sữa mẹ càng sớm càng tốt vì trẻ có nguy cơ hạ đường máu, hạ thân nhiệt, mất nước, sút cân. Do nhu cầu của trẻ cao nhưng lại chưa biết bú hay đòi hỏi nên cần tùy theo tình trạng của trẻ, tùy cân nặng và tuổi thai mà có cách xử trí thích hợp. Nên tham khảo ý kiến của chuyên gia khi chăm sóc trẻ.

Trẻ đẻ thấp cân và non tháng dễ bị nhiễm khuẩn, có tỷ lệ tử vong cao. Việc nuôi dưỡng rất khó khăn và tốn kém, việc chăm sóc phải rất tỉ mỉ, chu đáo, đòi hỏi có kỹ thuật, kinh nghiệm và chuyên môn. Cần chú ý làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản để đẩy mạnh biện pháp phòng cho trẻ khỏi bị sinh trước thời hạn, hồi sức tốt ngay tại phòng đẻ để giảm biến chứng sau này.

Đông y Thiện Tri Thức tổng hợp

Bài viết liên quan