RAU MÁ – RAU MÁ LÔNG – RAU MÁ LÁ RAU MUỐNG

  1. RAU MÁ

  • Tên khoa học: Centella asiatica (L) Urb – họ Hoa tán (Apiaceae); Tên khác Tích tuyết thảo (TQ).

  • Bộ phận dùng: Cả cây tươi hoặc chế biến khô của cây rau má (herba centellae), được mô tả trong Dược điển VN và TQ.

  • Mô tả: Cây thảo, mọc bò, phân nhánh nhiều, lan rộng trên mặt đất, rễ mọc từ các mấu của thân. Lá có cuống dài 2 – 4cm ở những nhánh mang hoa và dài 8 – 10cm ở những nhánh thường, phiến lá hình thận, gần tròn, mép khía tai bèo, đường kính 2 – 4cm (nhất là rau má trồng phiến lá rộng 6 – 7cm, cuống ở nách lá gồm 1 – 5 hoa nhỏ, không cuống, màu trắng, quả dẹt rộng độ 3mm, có sống hơi rõ. Rau má mọc hoang ở khắp nơi, chỗ ẩm ướt, chen lấn cỏ. Chủ yếu là vùng nhiệt đới. Gần đây được trồng để làm rau ăn và làm nước giải khát.

  • Thu hái chế biến: Thu hoạch về mùa hạ (hoặc đầu mùa thu) khi cây đang tươi xanh tốt, rửa sạch đất cát, phơi nắng hoặc sấy ở nhiệt đới dưới 50độ C cho khô, ép nhẹ, bó lại theo đơn vị khối lượng (25 – 50 – 100).

  • Công dụng: Theo Đông y, rau má vị hơi đắng tính mát, vào 3 kinh: Can, Tỳ, Tâm. Có tác dụng: thanh nhiệt, tiêu viêm, lợi niệu, giải độc. Chữa các chứng bệnh: vàng da (hoàng đản), sốt nóng, mụn nhọt, sởi, viêm gan, viêm amiđan, chảy máu cam, thổ huyết, phụ nữ bạch đới (khí hư), đái rắt buốt (có thể có sỏi), đái ra máu, thương tích phần mềm, bị ngô độc do thuốc sâu có phosphor. Rau má còn có tác dụng bồi dưỡng sức khỏe cho những người yếu mệt, ho lâu ngày, biếng ăn, phụ nữ kinh nguyệt không đều.

    • Liều dùng: 15 – 30g (khô) 30 – 60g tươi.

    • Khô thì sắc, tươi thì say, giã ép lấy nước uống. Dùng ngoài da: đắp bên ngoài vết thương (rửa sạch vô trùng), lượng vừa đủ, hoặc làm các chế phẩm dưỡng da, chống nhăn da.

    • Lưu ý: Tránh nhầm lẫn với rau má lông, họ Hoa môi hoặc giống rau má lá rau muống.

  • Bảo quản nơi khô mát, không nên để lâu.

  1. RAU MÁ LÔNG

  • Tên khoa học: Glechoma longituba (nakai) Kurpr. Họ hoa môi (lamiaceae); Tên khác Liên tiền thảo – Thấu cốt tiêu.

  • Bộ phận dùng: Cả cây (phần trên mặt đất) tươi hoặc đã chế biến khô của cây rau má lông. Được ghi nhận trong Dược điển TQ.

  • Mô tả: Cây thảo, sống lâu năm, thân bò dài trên mặt đất 20 – 50cm, có đoạn thân đứng, có lông, thân vuông. Lá mọc đối, có cuống dài, phiến hình thận hay hình tim, dài 1,5 – 2,5cm rộng 2 – 4cm, mép có răng cưa to. Hoa ở nách lá, thành chùm 1 – 3cái, tràng màu lam tía, hình ống. Quả bế cứng màu sẫm. Cả cây vỏ có mùi thơm, nếm vịhơi đắng. Hoa tháng 3 – 5, quả tháng 4 – 6. Cây mọc hoang và trồng ở miền núi nước ta (Lạng Sơn), nơi ẩm thấp chân núi, ven đường, bãi cỏ. Có thể trồng bằng những đoạn thân ngầm có rễ.

  • Thu hái chế biến: Thu hái vào mùa hè khi cây xanh tốt, cắt lấy phần trên mặt đất, rửa sạch đất cát, loại bỏ tạp chất, phơi nắng hoặc sấy khô ở nhiệt độ dưới 50 độ C.

  • Công dụng: Theo Đông y, rau má lông vị cay, tính ấm. Có tác dụng trừ phong thấp, tán hàn, lưu thông máu, giảm đau, tiêu thũng, lựi niệu, thông lâm. Chữa các chứng bệnh: nhiễm khuẩn đường tiết niệu, tiểu buốt, tiểu khó, có sỏi, phong thấp, viêm khớp, đau răng, thương tích, ngã đòn, gãy xương, ho do lạnh, hen, sỏi mật, vàng da, phụ nữ bạch đới, chảy máu tử cung.

    • Liều dùng: 15g – 30g (khô), 30 – 60g (tươi). Giã đắp tại chỗ ngoài da, lượng vừa đủ.

    • Phụ nữ có thai không được dùng.

  • Một số bài thuốc ứng dụng:

    • Bài số 1: Chữa hen suyễn: Rau má lông 10g; Sài hồ 10g; Hạt tía tô 4g. Sắc uống.

    • Bài số 2: Chữa phụ nữ khí hư bạch đới: Rau má lông 5g; Hạt cây mào gà đỏ (Celisia cristata Lin.) 10g. Sắc uống.

  • Bảo quản nơi khô mát, không nên để lâu.

  1. RAU MÁ LÁ RAU MUỐNG.

  • Tên khoa học Emilia sonchifolia (L) DC, họ Cúc (Asteraceae); Tên khác Rau chua lè – Dương dế thảo (TQ) – Nhất điểm hồng.

  • Bộ phận dùng: Cả cây (phần trên mặt đất) tươi hoặc đã chế biến khô (Herba Emilia). Được ghi vào Dược điển VN.

  • Mô tả: Cây thảo, sống hàng năm, thân cao 20 – 25cm, màu lục hoặc tía, thân phía dưới nhẵn, phía trên có lông, lá biến dạng ở những cây còn non trông gần như lá cây rau má, ở cây trưởng thành thì lá không cuống, có tai ở gốc, còn lá phía dưới cuống có cụm hoa thì dài, hình tam giác, đầu nhọn gần như lá rau muống, mép có răng cưa thưa. Hai mặt lá đều có lông. Cụm hoa thưa, gồm hoa dài 3 – 6cm. Quả bế, dài độ 5mm, có một túm lông trắng. Cây mọc hoang ở nhiều nơi ven đường, bãi cỏ, bãi cát, trên đường tàu…

  • Thu hái và chế biến: Thu hái quanh năm, nhưng mùa hè cây phát triển tốt hơn. Cắt lấy phần trên mặt đất, rửa sạch đát cát, phơi nắng hoặc sấy khô ở nhiệt độ dưới 50 độC.

  • Công dụng: Theo Đông y, cây rau má lá rau muống, vị đắng tính mát, vào 2 kinh Tâm, Can. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, lợi thủy. Chữa các chứng bệnh bệnh cảm mạo, sốt nóng, viêm đau họng, sởi, ngứa ngoài da, eczema, lở ung nhọt, viêm ruột, đại tiện ra máu, tiêu chảy, lỵ, tiểu tiện khó khăn buốt, chấn thương chảy máu hoặc tụ tím sưng tấy.

    • Liều dùng: 10 – 20g (khô) – tươi 20 – 40g, sắc uống. Dùng ngoài da, rửa sạch, giã đắp chỗ đau.

    • Lưu ý: Người cơ thể suy nhược không nên dùng.

  • Bảo quản: nơi khô mát, không để lâu.

Đông y Thiện Tri Thức tổng hợp

Bài viết liên quan