HOA DÂM BỤT

Hoa dâm bụt (hibiscus rosa siensis L) đồng bào ta còn gọi là bông bụt, bông bụp. Trong tiếng Hán, Hoa cũng có nhiều tên như: Sách Lĩnh Ngoại đại đáp gọi là Lý Mai Hoa; Sách Quần Phương Phổ gọi là Ngược tử hoa; Sách Phúc kiến Trung Thảo Dược gọi dâm bụt trắng là Bạch Diện hoa, và nhiều tên khác như: Ly chướng hoa vì dùng làm hàng rào; Lạt Ba hoa vì giống cái kèn. Sách Bản thảo Cương mục dựa vào tính sớm nở tối tàn mà gọi nó là Nhật câp hoa hay Triêu khai mộ lạc hoa. Tuy vậy tên thường dùng của loài hoa này là Mộc Cẩn.

Cây dâm bụt là loại cây vừa thân mọc thẳng đứng, cao từ 1 đến 3m thuộc họ bông, thường được trồng làm hàng rào, làm cảnh, lá làm thức ăn cho thỏ. Hoa, lá, vỏ, rễ đều dùng làm thuốc. Theo sách Quần phương phổ có 2 loại dâm bụt gồm loại hoa trổ 5 cánh, nhị vàng và loại hoa trổ nhiều cánh chồng lên nhau mà tơ nhỏ. Cả hai loại hoa đều có màu hồng sẫm hay phấn hồng hoặc màu trắng. Sách Bản thảo cứu hoàng chép “hái lá dâm bụt non, luộc chín, dần nước lạnh cho sạch nhớt trộn dầu và muối ăn cũng ngon”.

Bàn về dược tính của hoa dâm bụt:

Sách Bản thảo cương mục chép: Hoa dâm bụt vị ngọt, tính bình, chất trơn, không độc, chủ về tiêu sang lũng (mụn nhọt độc sưng tấy), lợi tiểu tiện, trừ thấp nhiệt.

Sách Nhật hoa tử bản thảo chép: Hoa dâm bụt tính mát, trị chứng trường phong rỉ máu, xích bạch lỵ, sấy khô làm thuốc, nấu uống thay nước trị chứng phong

Sách Bản thảo hối ngôn cho rằng: Hoa dâm bụt …chủ trị các chứng nhiệt, chất hoa trơn nhớt lợi cho sự dẫn thông ứ trệ, giỏi trị chứng xích bạch tích nén, chữa ruột khô nhám phân không thông…dùng hoa dâm bụt giã vắt lấy nước cốt hòa với rượu trắng hâm nóng uống rất kiến hiệu.

Sách Nam dược Thần hiệu chép: Hoa dâm bụt vị ngọt, tính bình, không độc, thông hoạt, trị lở sưng đau, ỉa ra máu, bạch đới, mất ngủ và giải được khát.

Sách Trồng hái và dùng cây thuốc của cụ lương y Lê trần đức chép Dâm bụt vị ngọt, trơn nhày có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, giải độc tiêu sưng, trị bạch đới, mộng tinh, đại tiện ra máu, mất ngủ, khô khát, và đắp mụn nhọt sưng tấy.

Lá, hạt, vỏ cây dâm bụt đều có dược tính:

Lá dâm bụt: tính bình, không độc, chủ trị chứng trường phong, chứng nóng và khát sau khi khỏi lỵ.

Sách Bản thảo hối ngôn cho rằng: Lá dâm bụt vị đắng, tính lạnh tương tự như hoa vậy.

Hạt của dâm bụt được sách Ẩm phiến tân tham gọi là Triều thiên tử và chéo rằng: hạt dâm bụt vị đắng, tính lạnh, chủ làm sạch phổi tan đờm, chữa chứng phế phong đờm suyễn, ho hen tắc tiếng.

Sách Bản thảo cương mục chép: Hạt dâm bụt vị ngọt, tính bình, không độc, chủ trị chứng đau nhức một bên đầu, chứng nhọt bọ mủ vàng.

Vỏ cây dâm bụt được sách Dưỡng sinh kinh nghiệm hợp tập gọi là Xuyên cẩn bì, sách Cứu phương gọi là Cẩn bì, sách Bản thảo cương mục gọi là Mộc cẩn bì.

Sách bản thảo mộc di chép vỏ cây dâm bụt tính bình không độc, chị chứng trường phong rỉ máu, chứng nóng khát sau bệnh lỵ, nấu giúp dễ ngủ, sao lên trước khi dùng.

Sách Bản thảo cương mục chép Vỏ cây dâm bụt vị ngọt, tính bình, không độc trị chứng xích – bạch đới, ghẻ lác, sưng đau, rửa cho mắt sáng, giúp hoạt huyết tươi nhuận.

Rễ cây dâm bụt còn gọi là Phiên ly thảo căn; Mộc cẩn căn

Sách Bản thảo cương mục chép: Rễ cây dâm bụt vị ngọt, tính bình, chất trơn, không độc, trị chứng xích – bạch đới, ghẻ lác, sưng đau…

Sách Nam ninh thi dược vật chí co rằng Rễ cây dâm bụt chữa người nón, trị ho.

Sách Trung Dược Đại từ điển cho rằng rễ cây dâm bụt có tính năng trị liệu bệnh giống vỏ cây dâm bụt.

Một số bài thuốc trị liệu:

  1. Chữa chứng Lỵ cấm khẩu: Lỵ cấm khẩu là chứng bệnh ngặt, phải gấp chữa trị. Để chứng bệnh này, dùng 15g hoa dâm bụt đỏ, bỏ phần cuống, phơi trong bóng râm, tán thành bột, lấy bánh bì chấm bột này ăn. Rất hay. (sách Tế cấp tiên phương)
  2. Chữa chứng xích – bạch lỵ. Dùng 1 trong hai phương sau:
  • Phương 1: Hoa dâm bụt 1 lượng ( trẻ em dùng nửa lượng), sắc lên, khi sôi già cho một ít bạch mật ( mật màu trắng) đủ ngọt, khuấy cho mật tan đều, chắt lấy nước uống. Nhớ là người bị xích lỵ dùng hoa đỏ, bạch lỵ dùng hoa trắng. (Sách Vân nam trung y nghiệm phương)
  • Phương 2: Dùng một lượng hoa dâm bụt thích hợp phơi khôn trong bóng râm, tán thành bột, mỗi lần uống 2g với nước đun sôi để còn hơi ấm, cứ cách 2 giờ uống một lần, uống liền 3 đến 5 ngày thì khỏi. (Trung Dược đại từ điển).

Lưu ý: Khi dùng hai phương này cần kiêng không ăn thứ chua và thứ có tính lạnh.

  1. Chữa chứng khó ngủ, hồi hộp, nước đái đỏ: Hoa dâm bụt lượng vừa đủ trong ngày, hãm với nước sôi, uống thay trà.
  2. Chữa bạch đới nặng: Hoa dâm bụt 2 tiền, phơi khô trong mát, tán thật nhỏ mịn, cho vào nửa chén sữa người, hấp cách thủy ( hoặc hấp cơm) uống trước bữa ăn. Nhớ khi cho bột hòa với sữa phải khuấy cho thật đều rồi mới hấp. (Sách Điền nam bản thảo).
  3. Chữa chứng Thổ ra máu, chảy máu: Dùng 1 trong hai phương sau:
  • Phương 1: Hoa dâm bụt: 9 đến 13 bông, đường lượng vừa đủ ngọt. Cho hoa và đường vào 1 lượng nước thích hợp, nấu thật sôi, chắt lấy nước, uống trước bữa ăn, ngày 2 lần. (Phúc kiến dân gian thảo dược)
  • Phương 2: Dùng 1 lượng hoa dâm bụt thích hợp, 50g gạo tẻ. Hoa dâm bụt phơi khô trong chỗ râm mát, tán thành bột; gạo tẻ vo kỹ nấu cháo mỗi lần uống cho 10g bột hoa dâm bụt vào cháo khuấy đều trước khi ăn, ngày 2 đến 3 lần. (Bách hoa, trị bách bệnh)
  1. Chữa chứng Phong Đàm tắc nghịch: Đây là chứng Đàm kéo ngược gây nghẹt thở rất nguy hiểm. Để chữa chứng này, dùng một lượng hoa dâm bụt thích hợp, phơi khô, sao qua, tán thành bột, mỗi lần uống 1 đến 2 muỗng cà phê với nước đun sôi để còn nóng ấm. DÙng hoa dâm bụt trắng chữa chứng này tốt hơn hoa đỏ. (Giản tiện đơn phương)
  2. Chữa chứng phản vị - dạ dày không tiêu hóa được gây ra nôn mửa dữ dội. Dùng một lượng hoa dâm bụt thích hợp, phơi khô trong bóng râm, tán thành bột, mỗi lần 6g với nước nấu trần mễ (gạo lâu năm) ngày uống 3 lần. (Tụ Trân phương)
  3. Chữa chứng Đinh nhọt độc , rôm sảy sưng đau: Hoa dâm bụt tươi hái vừa đủ dùng, một ít rượu ngọt. Cho hoa dâm bụt vào cối giã thật nhuyễn nhừ, cho hoa đó vào rượu khuấy đều đắp vào chỗ đau.
  4. Phụ nữ nhức đầu, chóng mặt: Theo Nam dược thần hiệu: bệnh này quy vào hư lao, phụ nữ vốn huyết vượng hơn khí làm căn bản, khí huyết suy thì sinh bệnh. Để chữa bệnh này dùng hoa dâm bụt đỏ, gỗ vang hai thứ bằng nhau, lượng đủ dùng và 3 lát gừng. Cả ba bị gộp chung, sắc còn 7 phần nước thì uống. uống đến khỏi bệnh thì dừng.

Ngoài ra còn có một số bài thuốc đơn giản khác nữa như:

  • Chữa chứng Tay chân nứt nẻ, đau nhức: Dùng lá dâm bụt, rửa sạch, giã nát , đắp vào là khỏi – theo Nam dược thần hiệu.
  • Chữa chứng Sưng quai bị, đau mắt: Lá cây dâm bụt, lá dành dành mỗi thứ 1 nắm, rửa sạch giã nát nhuyễn, vắt lấy nước uống, bã đắp lên chỗ đau.
  • Chữa chứng Đơn độc, mụn nhọt sưng tấy: Dùng Lá và hoa dâm bụt rửa sạch, giã nát nhuyễn, đắp lên chỗ đau.
  • Chữa thiên đầu thống (đau nhức một bên đầu) bằng cách dùng một nhúm hạt đốt lấy khói xông vào chỗ đau – Bản thảo cương mục.
  • Chữa phổi nóng, đờm nhiều, phế phong kéo đờm, ho hen tắc tiếng: dùng 3 đến 5 tiền (11,25g – 18,75g) hạt dâm bụt sắc nước uống.
  • Chữa chứng Lỵ bằng cách dùng vỏ cây liều thích hợp sao vàng, lá táo sao vàng, mỗi thứ 20g, sắc uống trong ngày.
  • Chữa xích bạch đới bằng cách dùng khoảng 2 lạng vỏ cây dâm bụt rửa sạch bụi đất, thái nhỏ, cho vào rượu nấu lên uống khi đói – Toản yếu kỳ phương.
  • Chữa tiểu đường: dùng 1 đến 2 lạng rễ cây sắc uống thay trà.
  • Chữa chứng mụn trĩ sưng đau: Dùng 1 lượng rễ cây dâm bụt vừa phải, nấu lên, trước xông sau rửa, rất hay.
  • Chữa kinh nguyệt không đều hay rong kinh: Vỏ rễ cây dâm bụt, lá huyết dụ mỗi thứ 30g, rửa sạch sắc uống – trồng hái và dùng cây thuốc.

    Nguồn: Đông Y Thiện Tri Thức tổng hợp.

Bài viết liên quan