ĐỊA LIỀN

  • Tên khoa học: kaempferia galangal L, họ Gừng (Zingiberaceae); Tên khác Sơn nại (TQ) – tam mai – Sa khương.

  • Bộ phận dùng: Thân rễ (thường gọi là củ) của cây địa liền, thái mỏng, phơi hoặc sấy khô. Được ghi nhận trong Dược điển;

  • Mô tả: Cây địa liền là loại cây cỏ nhỏ, sống lâu năm, quanh năm xanh tốt. Thân rễ nhỏ, hình trứng. Lá khá rộng, độ 2 hoặc 3 chiếc, mọc sát đất, nên có tên là địa liền, phiến lá hình trứng tròn, đầu hơi nhọn, mặt trên xanh lục, nhẵn, mặt dưới có lông mịn. Hoa tự mọc ở giữa, không cuống, gồm 8 – 10 hoa màu trắng, có những điểm tim ở giữa. Mùa hoa tháng 8 – 9.

  • Thu hái và chế biến: Thu hái vào mùa đông (tháng 11 – 2). Khi thân lá bắt đầu khô héo, đào lấy củ, rửa sạch đất cát, cắt bỏ rễ con, thái vát thành phiến mỏng 2 – 3mm, rồi phơi nắng hoặc sấy nhẹ đến thật khô. Tuyệt đối không được sấy than, củ sẽ đen, kém thơm.

    • Địa liền mùi thơm mát, đặc biệt dễ chịu, vị cay tê. Loại địa liền khô, mùi thơm dịu, vị cay tê, da vàng ngà, thịt trắng, nhiều bột, sạch rễ con, không vụn nát, không mốc mọt, không còn lẫn tạp chất, củ to đường kính trên 1cm là tốt.

  • Công dụng: Theo Đông y, địa liền vị cay, tính ấm, vào 2 kinh Tỳ Vị. Có tác dụng ấm dạ dày giúp tiêu hóa, trừ lạnh, trừ thấp, trừ mùi ô uế. DÙng chữa các chứng bệnh đau bụng, tức ngực do lạnh, đau răng. Dùng ngoài da ngâm rượu xoa bóp, chữa tê thấp đau nhức.

    • Liều dùng: 3 – 6g, sắc uống.

    • Lưu ý: Người bị chứng âm hư, thiếu máu, thể nhiệt không được dùng.

Đông y Thiện Tri Thức tổng hợp

Bài viết liên quan