ĐẬU ĐỎ NHỎ (XÍCH TIỂU ĐẬU)

  • Tên khoa hoc: Phaseolus angularis Wight, họ Đậu (Fubaceae); còn gọi là Xích tiểu đậu – Hồng đậu.

  • Bộ phận dùng: Hạt chín già đa chế biến khô của cây Đậu đỏ nhỏ. Được ghi nhận vào Dược điển.

  • Mô tả cây: Cây thảo sống hàng năm, dạng cây leo, dài độ 2m. Lá kép gồm 3 lá chét, mặt dưới nhiều lông. Hoa mọc ở nách lá, hoa hình bướm, màu vàng. Quả nhỏ, dài, có lông, trong có nhiều hạt nhỏ. Hạt hình bầu dục, dài độ 0,2cm ,ngang độ 0,15cm, màu đỏ tía bóng, bóc vỏ hạt trong có nhân màu vàng xanh. Hạt có rốn hơi lồi cao.

  • Thu hái, chế biến: Thu hoạch hạt già tháng 7 – 8. Hái quả, đập nhẹ, hạt tách ra, sàng phơi khô.

  • Công dụng: Theo Đông y, xích tiểu đậu vị ngọt, chua, tính bình. Vào 2 kinh Tâm, Tiểu trường. Có tác dụng lợi niệu, lưu thông máu, hạ sốt, tiêu thũng, tống mủ, giải độc. Chữa các chứng bệnh cước khí (phù chân) tiểu tiện không lợi, phù thũng, viêm thận, nước tiểu có albumin, mụn nhọt, sưng tấy.

    • Liều dùng: 10 – 30g.

    • Lưu ý: Người thể âm hư mà không bị thấp nhiệt không dùng.

  • Một số bài thuốc ứng dụng:

    • Bài số 1: Chữa trẻ em viêm thận cấp, phù thũng: Dùng Đậu đỏ nhỏ 30g; Liên kiều 12g; Ma hoàng 3g; Vỏ gừng tươi 3g; Sắc uống, ngày 1 thang, tới khi xét nghiệm thấy nước tiểu hết albumin thì dừng.

    • Bài số 2: Chữa phù thũng do dinh dưỡng kém: Dùng Đậu đỏ nhỏ 15g; Lạc (hạt) 15g; Đại táo 10g; sắc uống.

    • Bài số 3: Chữa mụn nhọt độc do thấp nhiệt: Đậu đỏ nhỏ 15g; Hoàng bá 10g; Thiên thảo 10g; Kim ngân hoa 10g; Bồ công anh 10g; Ngưu tất 10g. Sắc uống.

Đông y Thiện Tri Thức tổng hợp

Bài viết liên quan