CÂY HOA CÂY RAU CHỮA BỆNH QUANH TA (P3)

Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc bài viết về một số cây hoa, cây rau vừa dùng làm cảnh, làm món ăn và làm thuốc, gần gũi lại dễ tìm; có tác dụng phòng và trị bệnh hiệu quả, giảm chi phí và an toàn tuyệt đối. Nội dung được trích từ sách “Chữa bệnh bằng cây lá quanh nhà” - Nhà xuất bản văn hóa dân tộc.

  1. Cây lưỡi rắn: được dùng ở nước ta từ thời Tuệ tĩnh dùng chữa rắn cắn, đậu sởi. Theo sách Trung dược thảo thủ sách, cây lưỡi rắn có vị ngọt nhạt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết, lợi tiểu, chữa viêm đường tiết niệu, viêm họng, viêm gan cấp tính, mụn nhọt, sưng tấy, bị thương máu ứ sưng đau và rắn độc cắn dùng 100 – 300g sắc uống. Ngoài ra dùng đắp vết thương.

  • Dùng cây lưỡi rắn khô 80g (hay 160g tươi) với cây bán chi liên, bằng nửa liều cỏ lưỡi rắn (40g thuốc khô hay 80g thuốc tươi) sắc uống hàng ngày để chữa ung thư phổi, ung thư tực tràng giai đoạn đầu.

  • Người bị rắn cắn, độc chạy vào tim, tím tái hôn mê, sắc 300g uống liên tục có thể cứu sống được người bệnh.

  1. Cây hẹ: có vị cay chua, tính ẩm, dùng sống thì vào tim, yên ngũ tạng phủ, khỏi đau bụng do lạnh, nấu ăn thì bổ ích, thận khí, mạnh dương, khỏi tiết tinh và hết đau lưng mỏi gối, dùng cây hẹ luộc, xào với giấm, muối ăn vào sáng sớm giúp khỏi chứng ợ hơi.

  • Chữa phụ nữ đến kỳ kinh mà không hành kinh, khí nghịch đưa máu ngược lên thổ huyết hoặc bị thương ứ máu, đi tiểu ra máu, chảy máu mũi, dùng lá hẹ cả thân củ 100g giã nát vắt lấy nước cốt và hòa thêm 1 chén đồng tiện (trẻ dưới 3 tuổi) vào uống.

  • Chữa lên cơn suyễn nguy cấp dùng: lá hẹ 1 nắm sắc uống thì hạ cơn (nam dược thần hiệu).

  • Sau khi đẻ hoặc lên cơn giật, nôn ra nước xanh, dùng lá hẹ một nắm giã nát vắt lấy nước cốt, chế thêm nước cốt gừng vào uống.

  • Chữa bụng dưới đau nhói hoặc ngộ độc về thức ăn: giã hẹ vắt lấy nước cốt uống thật nhiều thì khỏi.

  • Hạt hẹ có vị cay ngọt, tính ấm có tác dụng: bổ gan, thận, chủ trị di mộng tiết tinh, són đái, bạch đới, tinh yếu do hư lao dùng 4 – 16g sắc uống hay phối hợp với các vị thuốc khác.

  • Chữa bệnh cường trung, ngọc hành cứng trơ mà tinh tự chảy ra, thỉnh thoảng đau nhói như kim châm, dùng hạt hẹ và phá cố chỉ mỗi thứ 6g sắc uống.

  1. Bồ công anh: Cây được trồng nhiều ở nước ta dùng để chữa dị ứng, mụn nhọt.

  • Bồ công anh có vị đắng ngọt, tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chữa mụn nhọt và sưng vú, dùng 30 – 40g sắc uống. Hoặc dùng lá tươi giã nhỏ chế thêm nước, vắt lấy nước cốt uống, bã thì đắp.

  • Chữa đau mắt sưng đỏ: dùng Bồ công anh 40g, dành dành 12g sắc uống.

  1. Thài lài trắng (rau trai) thường mọc hoang ở dưới đất, lá dài có lông thường thấy ở nơi vườn cây, bờ ao, nơi đất ẩm ướt. Thài lài có vị ngọt, tính hàn, lợi tiểu và giải độc tốt cho gan và thận. Có nhiều công dụng như chữa cảm cúm, viêm đường hô hấp, côn trùng cắn…có thể dùng hàng ngày như rau ở dạng khô hoặc tươi.

  • Dùng thài lài 30g, mộc thông 20g; mã đề 15g; rau má 12g. Cho nước vào sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần uống trong ngày. Uống 5 – 7 ngày để chữa đái buốt.

  • Người bị kiết lỵ dùng cỏ thải lài 25g; lá mơ 20g; vỏ quả lựu 10g; rau má 5g. Sắc uống ngày một thang chia làm 3 lần. Uống trong 5 ngày.

  • Người bị côn trùng cắn, rắn cắn có thể dùng lá cây rửa sạch giã nát đắp vết thương giúp bớt sưng tấy và giảm buốt.

  • Chữa mụn nhọt, sưng đau: thài lài 30g, lá cây bỏng (cây sống đời) 25g. rửa sạch cho vào giã nát thêm nước lọc lấy nước uống, bã đắp chỗ đau. Ngày uống 2 lần, uống 2 đến 3 ngày.

  • Người bị tăng huyết áp có thể dùng 100g thài lài nấu với 12 cây đậu tằm làm trà uống.

  • Người bị viêm gan vàng da dùng cỏ thài lài tươi nấu canh ăn 3 lần 1 tuần.

  • Người sưng amiđan dùng 30g thài lài sắc uống hoặc giã nát vắt lấy nước uống cũng có hiệu quả tốt.

  1. Rau sam: có vị chua, tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát máu tiêu sưng, sát trùng, tiêu cam, khỏi lở ngứa, kiết lỵ.

  • Trẻ bị hỏa đơn, nổi mẩn đỏ quanh rốn, nóng như lửa (sốt phát ban) dùng rau sam giã sống, vắt lấy nước cốt cho uống, bã thì xoa đắp.

  • Nếu trẻ bị đi lỵ, đau bụng, mót rặn lấy rau sam giã vắt lấy nước cốt, đun sôi, chế thêm 1 chút đường cho uống (theo Nam dược thần hiệu).

  • Nếu phụ nữ bị bạch đới dùng rau sam giã vắt lấy nước cốt 30ml đập vào 2 lòng trắng trứng gà, quấy đều, đun sôi, uống vài lần.

  • Chữa giun bằng cách dùng rau sam 3 nắm to, sắc lấy nước uống vào lúc đói, uống 2 – 3 lần thì giun ra.

  • Nếu đi tiểu buốt, nhiệt dùng rau sam giã vắt lấy nước thường uống.

  • Dùng rau sam nấu canh thường xuyên 3 – 5 ngày có thể trị được đái ra máu; dùng rau sam giã nát đắp lên mụn nhọt, ngòi xanh mụn nhọt dễ ra máu khỏi.

Đông y Thiện Tri Thức tổng hợp.

 

Bài viết liên quan