THOÁI HÓA CỘT SỐNG

1. Tổng quan:

Thoái hóa cột sống là bệnh có liên quan chặt chẽ với quá trình lão hóa, được phát hiện thấy ở trên 80% đối tượng trên 55 tuổi.

Thoái hóa cột sống là bệnh thường gặp do quá trình chịu đựng các tải trọng khác nhau liên tục dẫn đến biến đổi hình thái và thoái hóa ở các đĩa đệm, thân đốt sống và ở các mỏm gai. Bệnh thường có diễn biến từ từ, nhưng có xu hướng tăng dần các triệu chứng như đau, cứng cột sống và hạn chế vận động.

2. Nguyên nhân:

  • Thoái hóa đĩa đệm: do người có tuổi, lượng nước trong đĩa đệm giảm, các thành phần giảm làm cho phần đệm giữa các đốt sống bị hẹp lại, giảm chức năng đệm… từ đó làm giảm tính đàn hồi và giảm chiều cao, trở nên kém đáp ứng với tải trọng.
  • Thoát vị đĩa đệm: đĩa đệm là nhân nhày bị dịch chuyển ra ngoài vị trí bình thường, thường năng đốt sống L4 và L5 hoặc giữa L5 và S1; tại cổ vị trí thường thoát vị là giữa đốt C5 và C6 hoặc C6 và C7.
  • Thoái hóa thân đốt sống: thường là biểu hiện của biến đổi thoái hóa mạn tính, tại vùng thân đốt sống có gai xương hay gặp ở cột sống cổ, cột sống thắt lưng thấp.

Vị trí thoái hóa thường gặp:

  • Thoái hóa đốt sống cổ do lực vận động của đoạn cột sống cổ lớn nhất ở vùng đốt sống C5 và C6 nên thường thoái hóa ở đoạn này.
  • Thoái hóa đốt sống lưng điển hình bởi sự tạo thành các gai xương nhỏ.
  • Thoái hóa cột sống thắt lưng: tương tự như thoái hóa đốt sống lưng nhưng gai thường to hơn, chồi xương có thể phát triển dọc theo toàn bộ chiều dài cột sống.
  • Ngoài ra còn gặp tình trạng thoái hóa sụn khớp liên mỏm gai sau hoặc do một đốt sống bị trượt ra phía trước đốt sống bình thường.

3. Triệu chứng 

  • Đau và cứng khu trú, đau rễ dây thần kinh. Đau tập trung xuất phát từ dây chằng cạnh cột sống, các bao khớp.
  • Co thắt các cơ cạnh cột sống.
  • Đau rễ dây thần kinh có thể do chèn ép rễ của dây thần kinh ống sống hoặc chỉ là đau lan truyền dọc theo thần kinh có liên quan với tổn thương nguyên phát tại chỗ.

4. Các dạng thoái hóa hay gặp trên lâm sàng:

  • Đau thắt lưng cấp: thường gặp tuổi 30 – 40 tuổi sau một động tác mạnh quá mức, đột ngột hoặc trái tư thế như bưng bê, vác, ngã…
    • Thường đau vùng cột sống thắt lưng, nhưng thường không lan tới khớp gối, đùi; vận động hạn chế, khó thực hiện động tác, thường không có dấu hiệu thần kinh.
    • Cơn đau có kèm theo co cứng cơ cạnh cột sống vào buổi sáng và giảm sau khi vận động. Khi sờ nắn vùng thắt lưng chỉ thấy đau mà các dấu hiệu thận inh bình thường; một số tiến triển thành đau lưng mạn tính.
  • Đau thắt lưng mạn tính là tình trạng người bệnh có đau thắt lưng kéo dài trên 4 tháng:
    • Phần lớn đau thắt lưng mạn tính là do đĩa đệm bị thoái hóa nhiều, đàn hồi kém, chiều cao giảm, giảm khả năng chịu lực, phần lồi ra của đĩa đệm chạm vào dây thần kinh gây đau.
    • Các yếu tố nguy cơ như mang vác nặng, xoay người, ngồi xe bị rung lắc lâu, tập thể thao quá mức, tình trạng béo phì.
    • Lứa tuổi thường gặp là từ 30 đến 50, xuất hiện đau âm ỉ và không lan, đau tăng khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi, có thể bị biến dạng và hạn chế động tác.
  • Thoát vị đĩa đệm: Thường xuất hiện khi vòng sợi bị rách đứt và nhân nhày lồi vào trong ống sống, chèn ép lên rễ của dây thần kinh sống hoặc lên tủy sống.
    • Người bệnh thường có đau đột ngột, như dao đâm, đau lan xuống mông, phía sau ngoài đùi, tăng lên khi ho, hắt hơi…
    • Khám thấy cột sống cong vẹo, phản xạ gân xương giảm nhẹ, teo cơ, cơ thể rối loạn cơ tròn.
    • Trên X – Quang thì thấy dấu hiệu chung thoái hóa cột sống hẹp khe đĩa đệm, gai xương, hẹp lỗ liên hợp. trên phim chụp MRI thấy rõ trạng thái thoái hóa và thoát vị của đĩa đệm.
  • Thoái hóa cột sống cổ: có thể gặp thoái hóa ở tất cả các đốt sống cổ nhưng thường gặp thoái hóa ở C5 – C6 hoặc C6 – C7. Với các triệu chứng:
    • Đau vùng gáy thường có lan xuống vai và cánh tay. Tê một cẳng tay, cánh tay và ngón tay.
    • Thường có hạn chế vận động vùng cổ.
    • Nhức đầu lan từ vùng chẩm ra thái dương, trán hay hố mắt, không có dấu hiệu thần kinh.
    • Cảm giác chóng mặt, nhức đầu, hoa mắt, mờ mắt, thậm chí có loạn cảm thành sau họng, nuốt vướng, có thể xuất hiện các cơn thiếu máu thoáng qua.
    • Hội chứng chèn ép tủy cổ người bệnh có dấu hiệu liệt cứng nửa người hoặc tứ chi.

5. Điều trị và phòng bệnh

Điều trị thoái hóa cột sống thường là các biện pháp trị liệu vật lý với mục đích giảm đau, sửa chữa tư thế xấu và duy trì dinh dưỡng cơ ở cạnh khớp, điều trị gân đau và cơ.

Có thể dùng sóng siêu âm, hồng ngoại, chườm nóng, liệu pháp suối nóng, bùn nóng có hiệu quả cao. Có thể kết hợp xoa bóp, châm cứu với các biện pháp tập luyện…

Trong những trường hợp cần dùng thuốc có thể sử dụng thuốc giảm đau trong cơn cấp tính và các thuốc kháng viêm không steroid tuy vậy việc dùng thuốc cần có sự hướng dẫn của thày thuốc, không tự ý dùng thuốc.

Việc can thiệp ngoại khoa có thể được tính đến nếu việc điều trị nội khoa không hiệu quả và thấy có triệu chứng nặng lên gây ảnh hưởng đến khả năng vận động và chất lượng cuộc sống.

Phòng thoái hóa cột sống là điều cần thiết tránh việc phải điều trị phức tạo sau này bằng cách phát hiện sớm dị tật của cột sống để điều trị sớm; tránh cho cột sống bị quá tải bởi vận động và trọng lượng, tránh tác động mạnh đột ngột như bê vác nặng, giảm trọng lượng nếu đang béo phì.

Đông y Thiện Tri Thức tổng hợp

Bài viết liên quan